Giáo dục

Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha

Đề bài: Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha

tuong tuong roi ke lai canh con trai lao hac tro ve lang va tham mo cha

Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha

I. Dàn ý Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha (Chuẩn)

1. Mở bài

Đóng vai là con trai lão Hạc và giới thiệu chung về bản thân, hoàn cảnh sống

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh khi về thăm quê
– Lấy được tiền lương ở đồn điền cao su
– Quyết định về quê thăm cha và mọi người

b. Cảm nhận khi về quê
– Làng quê sau vài năm đã thay đổi đi nhiều
– Cuộc sống của mọi người vẫn vất vả và lam lũ như xưa, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng.
– Căn nhà không có bóng người, cây cối um tùm

c. Khi đi thăm mộ cha
– Ông giáo kể lại cuộc đời và cái chết của cha
– Tâm trạng đau xót, bất lực và tự trách bản thân mình
– Ra thăm mộ cha, bày tỏ lòng xin lỗi, cầu mong cha yên nghỉ

3. Kết bài

Bày tỏ suy nghĩ và sự hối hận của một người con trai bất hiếu, không thể về gặp cha lúc nhắm mắt xuôi tay.

II. Bài văn mẫu Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha

1. Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha, mẫu 1 (Chuẩn)

Khi còn trẻ, tôi rời bỏ quê hương đi làm ăn nơi xa xứ với mong muốn kiếm được nhiều tiền để cha bớt khổ, có cái vốn để về quê lập nghiệp an cư. Thế nhưng cũng chuyến đi ấy cũng khiến tôi đánh mất nhiều thứ quý giá.

Từ lần tôi đòi cha cho lấy vợ nhưng vì nhà nghèo quá chẳng đủ tiền thách cưới nên không lấy được người mình yêu, tôi chán cho số mình đành lên tỉnh đến sở mộ phu đưa thẻ cho họ kí giấy đi làm đồn điền cao su. Kể từ giây phút ấy bẵng đi đến nay đã 7 năm tôi mới trở về quê. Lần này về tôi thầm mừng có thể đem về cho cha vài trăm bạc để ông cơ cực. Về làng tôi thấy nhiều nhà đổi thay, vẫn cái lối mòn nhỏ ấy nhưng lại có thêm vài nhà nữa mọc lên, bọn trẻ con cũng lớn nhanh như thổi.

Bước đến nhà tôi lớn tiếng gọi cha, tưởng đâu sẽ có tiếng đáp lại nhưng không, tôi chỉ thấy sân nhà đầy lá, căn nhà lạnh lẽo, vườn tược um tùm cây cối. Tôi chạy sang nhà ông giáo, ông nhìn thấy tôi thì vui ra mặt, ông nói “Cuối cùng thì cậu cũng về”, tôi hỏi ông giáo cha tôi đâu, không cần ông trả lời, nhìn sâu trong đôi mắt ông tôi đã hiểu ra rằng cha tôi không còn nữa. Cha mất rồi, mất vì lý do tôi không thể ngờ và cũng đau đớn đến nỗi tôi không dám tưởng tượng đến.

Tôi ngây người, đứng dại ra trước sân nhà ông giáo, thế là tôi chỉ còn lại một mình trơ trọi trên thế gian này. Ông giáo dẫn tôi ra trước mộ của cha, tôi quỳ xuống bật khóc như một đứa trẻ, tôi ôm mộ cha mà đau xót, chỉ biết hỏi cha tại sao lại chọn cách ra đi như thế. Tôi không cần mảnh vườn, không cần tiền của để ông phải chịu khổ chịu đau đớn như vậy. Tôi thật tội lỗi, bất hiếu, giá như tôi không bỏ đi đồn điền cao su, sẽ không có tiền nhưng ít ra không để ông phải khổ như thế.

Sự dằn vặt này có lẽ sẽ theo tôi đến cuối đời, nhưng tôi đã quyết không đi nữa, tôi phải ở nhà để gìn giữ và chăm bẵm cho cái vườn mà cha tôi bỏ cả tính mạng để giữ lấy.

2. Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha, mẫu 2 (Chuẩn)

Nếu được lựa chọn thì có ai là người muốn phải biệt xứ tha phương kiếm việc kiếm tiền, ra đi bỏ lại cha mẹ già không ai chăm sóc rồi đến khi có tiền về cũng chẳng còn báo hiếu cha mẹ được nữa.

Tôi về lại quê sau nhiều năm đi làm ở đồn điền cao su, vì đi làm xa, nhiều năm liền chẳng được trả tiền công nên tôi không biết làm cách nào để về nhà, thi thoảng năm một lần lại gửi giấy về cho cha yên tâm. Đã sáu năm rồi, tôi chưa về nhà, tính năm nay sẽ về nên không gửi thư về nữa, thế nhưng khi tôi về đã không kịp gặp cha lần cuối. Đi mất hai ngày đường tôi mới về tới làng, đi về làng mà tôi ngỡ như mình đi đến nơi khác, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, chẳng ai chào hỏi vì dường như họ thấy tôi lạ quá. Đi làm được vài trăm bạc tôi cũng gọi là có quần áo mặc tử tế. Về đến nhà tôi thấy không khí im ắng lạ thường, trong đầu tôi thoáng có ý nghĩ đáng sợ, tôi cố trấn át nó đi rồi tìm cha khắp xung quanh nhà, tôi lớn tiếng gọi cha nghĩ ông đang ở ngoài vườn sẽ nghe thấy, nhưng mãi vẫn không thấy ai thưa.

Một lúc sau thấy tiếng bước chân, tôi mừng nghĩ cha đã về, thế nhưng không phải, đó là ông giáo. Ông sang thắp một nén hương rồi vái rằng “Lão Hạc ơi con trai ông đã về rồi đây này, ông về mà nhìn nó đi”. Tôi lặng người đi, hóa ra cái suy nghĩ đáng sợ ấy là thật. Tôi ngồi sụp xuống, thế là chẳng còn gì nữa, đã quá muộn màng để tôi hối hận về quyết định bỏ cha đi làm ăn xa. Ông giáo dẫn tôi ra thăm mộ cha rồi kể cho tôi nghe về cái chết của cha tôi, tôi nghe mà lòng đau quặn thắt, chưa bao giờ tôi thấy mình đau đớn và thương cha đến như thế.

Nhìn mảnh vườn trước mặt, tôi vừa nhớ cha lại vừa trách mình bất hiếu. Giá như cha đừng vì tôi mà giữ mảnh vườn, cứ bán mà ăn mà sống thì có lẽ tôi còn có cha. Tất cả là vì tôi, giờ tôi sẽ chăm chỉ làm lụng, chăm bón cái vườn này vì cha.

3. Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha, mẫu 3 (Chuẩn)

Cuộc đời tôi sai lầm nhất có lẽ là khi bỏ nhà đi đồn điền cao su. Mẹ tôi mất sớm, tôi chỉ còn cha mà cha lại già cả, ốm yếu, ấy thế mà vì phút phẫn chí tôi quyết định bỏ lại cha già sống một mình không ai nương tựa để đi kiếm tiền.

Đi làm công nhân đồn điền cao su được vài năm, tôi bị bóc lột sức lao động, tiền công thì chẳng thấy đâu chỉ thấy bản thân gầy khô xương, tôi quyết định về quê làm vườn sống cùng cha. Sau khi kết thúc hợp đồng tôi dọn đồ trở về quê, trên đường về trong đầu tôi nghĩ và vẽ ra bao viễn cảnh, không biết người cha già bây giờ ra sao, có ốm đau nhiều không. Đi về làng tôi cảm nhận được sự quen thuộc đã bao năm xa quê, cây đa, giếng nước sân đình vẫn y nguyên một vẻ, những mái nhà tranh rêu xanh lụp xụp thấp thoáng bóng của trẻ con lít nhít, mấy đứa trạc tuổi tôi có lẽ bây giờ cũng vài đứa con rồi.

Về đến nhà, tôi không gọi cha mà lặng lẽ đi tìm, tìm mãi vẫn không thấy cha đâu tôi liền chạy sang nhà ông giáo xem cha có ở đó không. Gặp ông giáo tôi mừng vì trông ông giáo vẫn giữ được nét nho nhã, thư sinh của một người có học. Ông giáo nhìn tôi, không vui mà lại buồn xám xịt, tôi cảm được có chuyện chẳng lành, ông nắm chặt tay tôi mắm môi mà nói “Cậu về muộn rồi, ông lão không còn nữa, tôi và người nhà đã lo liệu xong cho công việc của ông”. Nếu như cha tôi chết vì bệnh nặng không thuốc cứu chữa có lẽ tôi sẽ dễ dàng chấp nhận, thế nhưng cha tôi lại vì giữ mảnh vườn không muốn bán lấy tiền, không dám tiêu tiền vì để dành cho tôi để rồi chọn cách ăn bả chó mà chết. Tôi không thể tin vào điều đó, tôi nghiến răng lại, cố không bật khóc thành tiếng. Ông giáo dẫn tôi ra thăm mộ cha, thắp nén hương cho cha tôi thấy lòng mình nặng trĩu, tôi biết rằng mình chẳng thể làm được gì cho cha nữa, chỉ đành chắp tay nguyện cầu cha ở nơi chín suối hãy yên lòng, quên đi mọi đói khổ lo toan vất vả.

Tôi không thể thay đổi chuyện đã rồi, chỉ đành nuôi chí làm ăn, chăm cho mảnh vườn tốt tươi để cha tôi nếu như có đang dõi theo cũng cảm thấy yên lòng.

——————HẾT———————

Bên cạnh bài Tưởng tượng rồi kể lại cảnh con trai Lão Hạc trở về làng và thăm mộ cha, các em có thể tự luyện tập kĩ năng kể chuyện tại nhà qua việc tham khảo: Tưởng tượng cảnh Lão Hạc bán chó và kể lại câu chuyện ấy, Vào vai nhân vật ông Giáo, kể lại cảnh lão Hạc sang báo tin bán chó, Tưởng tượng cảnh Lão Hạc bán chó và kể lại câu chuyện ấy, Trong vai vợ ông giáo, kể lại một mẩu trong truyện Lão Hạc.

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button