Giáo dục

Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

viet doan van neu cam nhan cua em ve nhan de bai tho mua xuan nho nho

Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
 

I. Dàn ý Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

1. Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề: Nhan đề là một trong những yếu tố đầu tiên tạo nên thành công cho tác phẩm.
– Giới thiệu vấn đề: Nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
 

2. Thân bài

– “Mùa xuân nho nhỏ” là nhan đề sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa.
– “Mùa xuân”: Mùa đầu tiên trong một năm, tràn trề sức sống, vạn vật sinh sôi
=> Hình ảnh ẩn dụ của tuổi trẻ, cho những gì tươi đẹp, rạng rỡ, nhiệt huyết nhất.
– Từ láy “nho nhỏ”: Thể hiện sự khiêm nhường của tác giả trước cuộc đời.
– Đặt tên nhan đề là “Mùa xuân nho nhỏ”: Thể hiện khát vọng khiêm tốn mà chân thành của tác giả: Được cống hiến sức lực, nhiệt huyết tươi trẻ nhất của cuộc đời mình cho cuộc đời, trở thành mùa xuân nhỏ để làm nên mùa xuân lớn của đất nước (đặt trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ: khi tác giả sắp rời xa cuộc đời).
– Thể hiện quan điểm thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cá nhân và cộng đồng.
 

3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

 

II. Bài văn mẫu Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Nhan đề tác phẩm là một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Bởi nó sẽ thể hiện rõ quan điểm của tác giả về toàn bộ tác phẩm của mình và là điều đầu tiên độc giả ấn tượng trước khi bước vào tác phẩm. Với mỗi tác phẩm, tác giả phải đặt nhan đề làm sao cho thật đặc biệt vừa có sức gợi lại vừa mang trong mình ý nghĩa sâu sắc. Và một trong những nhan đề xuất sắc nhất phải kể tới “Mùa xuân nho nhỏ”, một nhan đề mà khi đọc lên, mang lại cho chúng ta thật nhiều xúc cảm.

Nhan đề “mùa xuân nho nhỏ” là một nhan đề đầy tính sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa, góp một phần không nhỏ thể hiện ý nghĩa của bài thơ. Ý nghĩa đó là ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời. Đặt vào trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ, khi tác giả đã sắp rời xa cuộc đời, người ta mới thấu hết được cái ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm trong cái nhan đề ngắn ngủi ấy. “Mùa xuân” là mùa đầu tiên trong năm, tràn đầy sự sống, là mùa mà vạn vật khắp nơi đều sinh sôi, nảy nở. Nhưng nó cũng là hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng cho những gì tươi đẹp nhất, nhiệt huyết nhất, tràn trề sinh lực nhất của sự sống. Và hay chăng, nó cũng chính là ẩn dụ của tuổi trẻ với khát khao cháy bỏng được cống hiến, được hi sinh cho cuộc đời ở quãng thời gian đẹp nhất. Cùng với đó là sự kết hợp cùng từ láy “nho nhỏ”, như một sự khiêm nhường của tác giả trước cuộc đời, trước đất nước, phải chăng, ông đang muốn trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” như thế để gom góp một phần dù là nhỏ bé của mình đóng góp cho mùa xuân lớn của đất nước? Đặt tên tác phẩm là “mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải như muốn bày tỏ với mọi người khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành của mình: Muốn trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” với sức trẻ, với nhiệt huyết của mình để góp phần vào mùa xuân lớn lao, tươi đẹp của đất nước, Tổ quốc. Khi sắp đi xa, vậy mà ông vẫn còn muốn được cống hiến, được hòa mình vào mùa xuân của non sông, của cuộc đời, vậy mới thấy, Thanh Hải yêu cuộc sống này, yêu đất nước này biết bao nhiêu! Đồng thời, nhan đề đó cũng thể hiện quan điểm thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân với cả cộng đồng. Đây chính là ý nghĩa nhan đề mà khi đặt tên cho bài thơ Thanh Hải đã ngầm gửi gắm.

Nhan đề của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” không chỉ mang lại cho người đọc cái nhìn tổng quan trước tiên của tác phẩm mà còn ẩn chứa trong đó những thông điệp, ước nguyện chân thành của tác giả ẩn chứa kín đáo qua từng con chữ đầy ý nghĩa này.

—————HẾT—————–

Sau khi tìm hiểu ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ qua bài Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, các em có thể tìm hiểu nội dung bài thơ qua những bài văn hay lớp 9 khác đã được giới thiệu như: Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ, Suy nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/viet-doan-van-neu-cam-nhan-cua-em-ve-nhan-de-bai-tho-mua-xuan-nho-nho/

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button