Đề bài: Phân tích bài Cây tre Việt Nam
Bạn đang xem bài: Phân tích bài Cây tre Việt Nam
3 bài văn mẫu Phân tích bài Cây tre Việt Nam
I. Dàn ý Phân tích bài Cây tre Việt Nam
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm Cây tre Việt Nam.
2. Thân bài
– Tre là người bạn thân thuộc, gắn bó với con người
– Tre cũng là loài cây chẳng kén đất sống hay ngại thời tiết nắng gió nhọc nhằn, dù ở bất kì nơi đâu, trẻ vẫn vươn thẳng mình phía trước, sống xanh tốt, dẫu cho đó là chốn đất cằn đá sỏi hay nơi màu mỡ tốt tươi.
– Khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng thấy bóng dáng tre xanh
– Tre mang những phẩm chất cao quý: Ngay thẳng, dẻo dai, kiên cường, thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh.
– Tre cũng mang khí chất thanh cao, giản dị
– Tre trong đời sống nhân dân Việt:
+ Làm bóng mát, âu yếm, vỗ về làng xóm
+ Tre giúp người trăm công nghìn việc
+ Trong chiến tranh tre là vũ khí chiến đấu ngang tàng, oanh liệt- người hùng chiến đấu
+ Trong thời bình tre cũng người vỡ ruộng, khai hoang, góp sức mình đưa đất nước đi lên.
+ Tre ru khúc hát ngọt ngào làng quê yêu dấu
– Sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tre trong đời sống dân tộc Việt Nam.
3. Kết bài
Cảm nghĩ của em về tác phẩm
II. Bài văn mẫu Phân tích bài Cây tre Việt Nam
1. Phân tích bài Cây tre Việt Nam, mẫu số 1 (Chuẩn)
“Tre Việt Nam
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
Cây tre xanh quen thuộc trong mỗi làng quê Việt, là hình ảnh đẹp đẽ khi bước vào mỗi trang thơ, lời văn của các tác giả văn học. Đó là hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc trong truyền thuyết Thánh Gióng, là cây tre hiên ngang, quật cường và xanh tốt trong thơ Nguyễn Duy, là bóng tre xanh toả mát mỗi trưa hè, soi tóc mình xuống dòng sông xanh mát trong thơ Tế Hanh. Đến với văn Thép Mới, ta như yêu thêm, khâm phục thêm những cây tre nơi xóm nhỏ bởi những phẩm chất cao quý nơi tre quá bài “Cây tre Việt Nam”.
Cây tre từ lâu đã gắn bó với con người, trở thành một phần máu thịt của hồn quê. Thấu hiểu được tình cảm và vị trí của tre trong lòng người, mở đầu bài viết, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa trẻ và người ” bạn thân của nông dân Việt Nam, của nhân dân Việt Nam”. Thật vậy, với mỗi con người Việt, đặc biệt là những người nông dân, tre luôn đồng hành trong mọi công việc từ hái rau, cắt cỏ, thu hoạch ruộng đến cả nhưng lúc nghỉ ngơi hóng mát trẻ vẫn luôn cùng người nông dân, ru mát những giấc mơ trưa.
Trong thế giới thiên nhiên rộng lớn, cây cối xanh tươi, giữa muôn ngàn những màu xanh cây lá, tre vẫn giữ một vị trí vô cùng nổi bật với sự thân thuộc mà nó mang đến: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa”. Tre cũng là loài cây chẳng kén đất sống hay ngại thời tiết nắng gió nhọc nhằn, dù ở bất kì nơi đâu, tre vẫn vươn thẳng mình phía trước, sống xanh tốt, dẫu cho đó là chốn đất cằn đá sỏi hay nơi màu mỡ tốt tươi. Cũng chính bởi thế mà khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng thấy bóng dáng tre xanh “Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi,… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”. Những câu văn đầu như lời giới thiệu đầy nhẹ nhàng mà bộc bạch tình cảm thắm thiết, chân thành của tác giả dành cho cây tre.
Tre càng gần gũi với con người hơn bao giờ hết bởi những phẩm chất đáng quý của nó đều gắn với những đức tính tốt đẹp của con người: ” Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt…”. Những phẩm chất dẻo dai, thích nghi với hoàn cảnh, ngay thẳng, bản lĩnh cứng cáp được trẻ hun đúc từ thế hệ này sang thế hệ khác đáng ngưỡng mộ biết bao. Không chỉ vậy, trẻ còn mang khí chất đầy hấp dẫn, thu hút. Chỉ với vài câu văn ngắn mà tác giả đã khẳng định được vẻ đẹp cả về sức vóc và phẩm chất của tre đầy đúng đắn, thể hiện được sự tinh tế trong cách quan sát và cảm nhận của tác giả, tre trở thành một đại diện cho vẻ đẹp, những phẩm chất đầy cao quý của dân tộc Việt Nam.
Trong đời sống con người, trẻ luôn bên cạnh, gắn liền với nhân dân từ xưa tới nay. “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. Tre là cánh tay của người nông dân”. Điệp ngữ” bóng tre”, “dưới bóng tre”, “tre” được lặp đi lặp lại càng làm rõ sự khăng khít, gắn bó bên nhau giữa trẻ và người.
Bóng tre làng ôm lấy, bao bọc và chở che cho con người, bóng tre đi vào văn hoá, vào lịch sử của dân tộc, trong chiến tranh tre là vũ khí chiến đấu ngang tàng, oanh liệt, trong thời bình trẻ cũng người vỡ ruộng, khai hoang, góp sức mình đưa đất nước đi lên.”. Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày.”
Tre gắn bó với con người trong cuộc đời như một điều gì khó có thể chia cắt được. Từ tuổi ấu thơ, tre là nguồn vui trong mỗi trò chơi dân gian chơi chuyền, đánh thẻ. Lúc trưởng thành, tre bên cạnh con người vào ruộng, ra nương, khi về già, tre lại là bạn tâm giao trong chiếc điếu cày khoan khoái. Tre chung thủy với người như dân làng thủy chung, gắn bó với quê hương mình vậy.
Không chỉ là kẻ thủy chung với đời trẻ còn là một người hùng bất khuất, kiên cường. “Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất”. Chiến tranh có súng đạn cũng không thể thiếu gậy tầm vông, không thể nào không có gậy tre, chông tre,….Tre vào chiến trận cũng gan dạ, kiên cường oanh liệt, lấy thân mình giữ làng nước quê hương “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”. Tre- người hùng chiến trận, lời tác giả viết đều chân thực, dựa trên lịch sử và thực tế vì vậy mỗi từ, mỗi chữ đều lay động tâm hồn người đọc.
Tre đến với mỗi quê hương bằng khúc nhạc da diết, tâm tình. Khúc nhạc đầy yên bình rừng lên man mác, nhẹ nhàng:
” Diều bay, diều lá tre bay lưng trời…
Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…
Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.”
Đoạn kết bài là hình ảnh của tre trong cuộc sống hiện đại, khi mà những xi măng, cốt sắt ngày càng nhiều thì tre vẫn giữ một vị trí đặc biệt. “Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.”
Lời khẳng định đầy thiết tha ấy đã cho thấy một sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tre trong đời sống dân tộc Việt Nam. Tác phẩm với ngôn ngữ mộc mạc, chân tình, lối viết giản đơn nhưng đã mang lại cho người đọc những tình cảm tốt đẹp. Có lẽ phải trân quý và yêu lắm cây tre Việt Nam tác giả mới viết nên những dòng văn thấm đẫm cảm xúc như thế.
2. Phân tích bài Cây tre Việt Nam, mẫu số 2:
Cây tre là biểu tượng cho con người, dân tộc Việt Nam. Viết về vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của cây tre chúng ta có thể kể đến bài Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy và không thể không nhắc đến tác phẩm Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới. Tác phẩm được viết làm lời bình cho một bộ phim điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam, đồng thời ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Ngay từ những câu văn mở đầu tác giả đã khẳng định tre là người “bạn thân của nông dân Việt Nam, của nhân dân Việt Nam” . Câu văn như một lời khẳng định chắc nịch về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, lâu bền của tre với con người. Để làm nổi bật vai trò, ý nghĩa của tre, tác giả đã đặt nó trong muôn ngàn cây cối khác nhau, nhưng tre luôn giữa một vị trí đặc biệt quan trọng: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa” . Cũng bởi vậy mà tre có mặt ở khắp mọi nơi: “Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi,… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn” . Câu văn nhịp nhàng kết hợp với biện pháp liệt kê đã cho thấy sự thân thuộc, gần gũi của tre với đời sống con người.
Tiếp ngay sau đó, Thép Mới khẳng định những vẻ đẹp phẩm chất của tre: mọc thẳng, ở đâu tre cũng xanh tốt, dáng tre mộc mạc, màu tre nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, … được diễn đạt bằng lời văn nhịp nhàng, cân đối tựa như một lời hát. Và vẻ đẹp, khí chất của tre được tác giả so sánh: “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người” . Câu văn như một lời ngầm khẳng định cây tre chính là biểu tượng cho con người Việt Nam, những vẻ đẹp, khí chất của tre cũng chính là phẩm chất cao quý của dân tộc ta.
Ngay từ phần mở đầu của bài viết, Thép Mới đã khẳng định sự gắn bó khăng khít và bền chặt của tre với người. Để minh chứng cho nhận định, ông đã sử dụng hàng loạt các dẫn chứng khác nhau để làm sáng tỏ vấn đề đó.
Không chỉ mang những phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, tre còn gắn liền với đời sống dân tộc Việt. Tác giả bắt đầu sự gắn bó đó bằng việc trích dẫn câu thơ của Tố Hữu: “Bóng tre trùm mát rượi” , đây là cầu nối, khơi gợi sự gắn bó khăng khít giữa người và tre. Tre bao bọc, che chở con người, dưới bóng tre xanh dân ta vỡ ruộng, khai hoang, làm ăn sinh sống. Điệp ngữ “bóng tre” “dưới bóng tre” được điệp đi điệp lại càng khẳng định hơn nữa sự gắn bó thủy chung của tre với con người. Tre cứ thế gắn bó trong lao động, trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc Việt. Không chỉ vậy, tre còn gắn bó với người từ thuở lọt lòng với chiếc nôi tre cùng lời ru ngọt ngào của bà của mẹ, những năm tháng tuổi thơ cây sáo với nhạc điệu du dương trầm bổng hay bộ chắt bằng tre làm bạn, tuổi già lấy điếu thuốc lào làm vui, và khi nhắm mắt xuôi tay tre cũng ở bên cạnh con người.
Chưa dừng lại ở đó, những năm tháng chiến tranh gian nan, ác liệt tre cũng là đồng chí, người bạn đồng hành của nhân dân Việt Nam. Cảm hứng chính của đoạn văn được khơi dậy từ hình ảnh: “Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất” một mặt tô đậm đặc điểm của tre nhưng đằng sau đó là lời ca ngợi ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cả tre và người không chịu khuất phục, tre giúp sức người: gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng hàng loạt biện pháp nhân hóa: tre là đồng chí, tre giữ làng, tre hi sinh,… vừa tôn vinh giá trị của tre vừa làm sống dậy những năm tháng chiến tranh ác liệt mà hào hùng của dân tộc.
Kết lại bài viết, là hình ảnh tre của hiện tại, khi cuộc sống con người đã trở nên hiện đại hơn, sắt thép xi măng đã dần thay thế cho tre. Nhưng không vì thế mà tre mất đi vị thế của mình. Tre vẫn xuất hiện trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi, được tác giả diễn đạt thật tinh tế qua hình ảnh “măng mọc” , tiếng sáo diều vi vút,… Lời kết vút lên như một lần nữa ca ngợi sự gắn bó thủy chung, son sắt của tre với con người.
Bài kí sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất thơ với nhịp điệu phong phú, biến hóa linh hoạt, phù hợp với nội dung bài viết. Hệ thống điệp từ, điệp ngữ, chia làm nhiều câu văn ngắn tạo nên không khí sục sôi, hào hùng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Không chỉ vậy, góp phần tạo nên sự thành công cho văn bản còn phải kể đến những lời bình giàu hình ảnh, gợi ra khung cảnh làng quê êm đềm. Giọng điệu dịu dàng kết hợp với các câu văn trữ tình (ca dao, câu thơ) hòa quyện với nhau tựa như một khúc hát ru tha thiết. Tất cả đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Với những chi tiết, hình ảnh được chọn lọc kĩ càng, giọng điệu tha thiết tác giả đã khẳng định sự gắn bó, thủy chung của cây tre với đời sống người dân Việt Nam. Cây tre với những phẩm chất tốt đẹp quý báu chính là biểu tượng của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Phân tích bài Cây tre Việt Nam là tài liệu bổ ích để các em nâng cao kiến thức Ngữ Văn. Tiếp theo, phần Cảm xúc trữ tình trong bài Cây tre Việt Nam cùng với phần Biểu cảm về cây tre Việt Nam để học tốt Ngữ Văn hơn.
3. Phân tích bài Cây tre Việt Nam, mẫu số 3:
Cây tre Việt Nam được Thép Mới viết để làm lời thuyết minh cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim đã thể hiện đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Lời thuyết minh đã góp phần làm lên giá trị của bộ phim, nó được coi như là một bài tuỳ bút đặc sắc, một bài thơ – văn xuôi đẹp của nhà báo, nhà văn Thép Mới.
Câu mở đầu Thép Mới viết: Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam. Phải chăng tác giả đã xác lập mối quan hệ gắn bó lâu đời, đặc biệt giữa tre với người Việt Nam – nông dân Việt Nam. Chính vì thế mà tre có mặt khắp nơi trên đất nước: Tre Đồng Nai, nứa Việt Bấc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi… đâu đâu cũng có tre nứa làm bạn. Chỉ có một câu văn thôi mà đã gợi lên được tre ở mọi miền Tổ quốc. Hình ảnh đối xứng nhịp nhàng, câu văn có nhạc tính, đọc lên nghe rất thích thú. Tiếp ngay sau đó, nhà văn ca ngợi những đức tính đáng quí của tre: Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre củng xanh tươi. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Sức sống bền vững, dẻo dai; dáng vẻ thanh cao, giản dị của tre một lần nữa được nói lên trong những câu văn giàu nhạc tính, cân xứng nhịp nhàng. Đọc đến câu Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người thì ta bỗng hiểu ra cái ý vị sâu sắc: cây tre chính là con người Việt Nam,- là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam và những phẩm chất cao quí của tre cũng là những đức tính đẹp đẽ của con người.
Nhận định tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam là tư tưởng xuyên suốt bài văn. Để chứng minh cho nhận định này, tác giả đã đưa ra một hệ thống luận điểm với nhiều dẫn chứng. Luận điểm thứ nhất như đã nói ở phần mở đầu, sự gắn bó của cây tre với con người Việt Nam. Cây tre có mặt ở khắp nơi trên đất nước. Hơn thế nữa, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Đã từ lâu đời, dưới bóng tre xanh con người Việt Nam đã làm ăn sinh sống và gìn giữ một nét văn hoá cổ truyền. Tre còn giúp người trăm nghìn công việc khác nhau như là cánh tay của người nông dân:
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ
Tre với người vất vả quanh năm.
Trong cuộc sống đời thường, tre gắn bó với con người thuộc mọi lứa tuổi: với tuổi thơ, tre là nguồn vui – các bạn nhỏ chơi chuyền đánh chắt bằng tre; với lứa đôi nam nữ thì dưới bóng tre là nơi hò hẹn tâm tình; với tuổi già hút thuốc làm vui thì có chiếc diếu cày… Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nấm trèn giường tre, tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, tre cũng gắn bó cùng dân tộc. Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta… Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù… Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Chính trong hoàn cảnh chiến đấu, tre bộc lộ nhiều phẩm chất cao quí khác: thẳng thắn, bất khuất Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng. Tre lại vì ta mà cùng ta đánh giặc. Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, cây tre càng gắn bó khăng khít, chặt chẽ hơn với con người Việt Nam. Từ truyền thuyết cây tre đằng ngà cùng anh hùng làng Gióng đánh tan giặc Ân, đến câu ca dao:
Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què!
Cho tới cuộc kháng chiến chống Pháp… cây tre rất xứng danh anh hùng bất khuất, như dân tộc Việt Nam bất khuất anh hùng.
Đế tổng kết vai trò lớn lao của cây tre đối với đời sống con người và dân tộc Việt Nam, tác giả đã khái quát: Tre, anh hùng lao động! Tre , anh hùng chiến đấu.
Cây tre tiếp tục gắn bó thân thiết với dân tộc Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi sau này. Phần kết của bài kí, tác giả đặt ra một vấn đề có ý nghĩa: vai trò của cây tre khi đất nước bước vào thời kì mới (Công nghiệp hoá – hiện đại hoá) trong giai đoạn hiện tại và tương lai, khẳng định tre mãi mãi là người bạn chia bùi, sẻ ngọt với con người. Để đưa người đọc đến vấn đề này, tác giả bắt đầu từ hình ảnh nhạc của trúc, của tre, hình ảnh sáo tre, sáo trúc biểu lộ tâm tình của con người Việt Nam. Những câu văn viết về nhạc của trúc, của tre thiết tha bay bổng như một đoạn thơ – văn xuôi giàu nhạc tính. Sau đó, tác giả lấy câu tục ngữ tre già măng mọc và hình ảnh măng non trên phù hiệu đội viên thiếu nhi làm phương tiện chuyển ý rất tự nhiên để khẳng định vị trí của cây tre trong tương lai của đất nước: Nứa tre… còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia ngọt sẻ bùi của những ngày mai tươi hát… Ngày mai, trển đất nước này, sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa. Nhưng trên đường đời ta dấn bước, tre xanh mãi là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình… Nghĩa là cây tre với những phẩm chất quí báu của nó lưu giữ biết bao giá trị lịch sử, giá trị vàn hoá, tượng trưng cao quí của dân tộc Việt Nam vẫn còn mãi với các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, với bao niềm tự hào và kiêu hãnh:
Mai sau Mai sau Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh…
(Nguyễn Duy, Tre Việt Nam)
Bài Cây tre Việt Nam với nhiều chi tiết, hình ảnh chộn lọc mang ý nghĩa biểu tượng, phép nhân hoá sử dụng thành công, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu, Thép Mới đã đem đến cho người đọc vẻ đẹp bình dị và những phẩm chất cao quí của cây tre. Cây tre đã trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm