Giáo dục

Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Đề bài: Anh/ chị hãy viết bài bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

binh giang 8 cau tho dau bai tho viet bac cua to huu

Bạn đang xem bài: Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

I. Dàn ý Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Bốn câu thơ đầu: Lời của người ở lại
– Người ở lại tức là nhân dân Việt Bắc, mở lời bằng câu hỏi bồi hồi “Mình về mình có nhớ ta?”
+ Cách xưng hô “mình – ta” gần gũi, thể hiện tình cảm sâu đậm nghĩa tình, như cặp tình nhân khi chia xa.
+ Người ở cất lời trước, lại mượn lời đối đáp, hỏi han: đây là nhu cầu rất đỗi tự nhiên của con người lúc chia xa nhau, bao giờ người ở lại cũng băn khoăn, trăn trở hơn (liên hệ ca dao).
+ Người ở băn khoăn, trăn trở bởi vì tất cả tâm lý, tình cảm đều hướng về người đi nên mới cất câu hỏi.

– Bốn câu thơ nhưng có tới hai câu hỏi “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?” với bốn từ “nhớ”: diễn tả những cảm xúc dồn dập, bồi hồi từ trong tim, sâu thẳm trong tâm hồn người ở lại, da diết, mãnh liệt.
– Người ở lại cũng đặt mốc thời gian “mười lăm năm ấy”: đây là khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Nhật và phong trào Việt Minh, thời gian mà người ở người đi đã gắn bó với nhau.
– “Mình về mình có nhớ không?/ Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”: Câu hỏi nhưng như một lời dặn dò kín đào rằng Việt Bắc sẽ và luôn là cội nguồn của Cách mạng, hãy luôn ghi nhớ và trân trọng những phút giây bên nhau.
– Nỗi nhớ trong hai câu cuối trải dài cả không gian, thời gian, từ chi tiết đến mênh mông, rộng lớn (cây – núi – sông – nguồn).
=> Bốn câu thơ đầu, mượn lời đối đáp nói lên nỗi lòng của người Việt Bắc ở lại, sự bồi hồi, tha thiết khi phải xa nhau.

b. Lời của người ra đi:
– Đáp lại lời của người ở lại, người ra đi thể hiện bằng những hành động cụ thể.
– “bâng khuâng, bồn chồn” diễn tả trạng thái của người ra đi: đó là sự luyến tiếc, nhớ nhung khi phải rời xa nhưng cũng là sự chờ mong, thúc giục vào nhiệm vụ mới.
– Ba từ láy “tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn”; diễn tả những bước chân ngập ngừng, dùng dằng, nửa đi nửa ở.
– Hình ảnh “áo chàm”: hình ảnh hoán dụ, tượng trưng cho những người Việt Bắc – những người miền núi.
→ Hình ảnh chiếc áo với màu sắc giản dị, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình của những con người nơi đâu, những con người đã góp một phần vào thành công của kháng chiến.
– “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”: thể hiện đầy xúc cảm, nỗi lòng của người ra đi, bao nhiêu điều muốn nói thế nhưng lại chẳng biết nói gì => cảm xúc bâng khuâng, tha thiết, nỗi lòng bồi hồi của người ra đi.
– Dấu ba chấm đặt cuối câu nói của người đi như một dấu lặng của bản nhạc, thể hiện sự bâng khuâng, sâu lắng.
=> Bốn câu thơ là lời bày tỏ của người ra đi, những cảm xúc dạt dào, lắng đọng trong từng lời nói, cử chi, bao nỗi bâng khuâng, lưu luyến chẳng muốn rời nhưng vì nhiệm vụ nên đành lòng rời xa.

3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

Xem thêm: Phân tích Việt Bắc

II. Bài văn mẫu Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Chuẩn)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, hiệp ước Geneva được ký kết, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Cùng lúc đó, trung ương Đảng và Chính phủ quyết định di dời căn cứ Cách mạng từ Việt Bắc về Hà Nội sau mười lăm năm dài. Chính vào thời khắc mang tính lịch sử ấy, trong niềm cảm xúc dạt dào, Tố Hữu đã sáng tác lên bài thơ Việt Bắc để ghi lại dấu ấn trọng đấy ấy. Cả bài thơ là những dòng thơ ôn lại những kỷ niệm đong đầy về thời kháng chiến gian khổ của chiến sĩ Cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Những tình cảm dạt dào ấy dâng tràn ấy được biểu hiện qua tám dòng thơ đầu của bài thơ:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồi hồi bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay …”

Việt Bắc là một trong những bài thơ đỉnh cao của Tố Hữu và tám dòng thơ này được trích ở ngay phần đầu tiên của tác phẩm. Tám câu thơ là những lời khơi gợi về những kỉ niệm, những kí ức về thời kháng chiến chống Pháp gian khổ “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” mà quân và dân ta đã cùng nhau vượt qua khi còn ở trên chiến khu Việt Bắc. Tám câu thơ là tám lời nói đầy tha thiết, đầy nhớ nhung của người đi kẻ ở. Tám câu được chia thành hai đoạn ngắn, với bốn câu đầu là tiếng lòng của người ở lại, của nhân dân Việt Bắc, còn bốn câu sau là những lời tỏ của người ra đi. Dù chia tách như vậy, nhưng mỗi câu thơ đều thấm đượm những tình cảm nồng cháy của quân và dân chiến khu Việt Bắc anh hùng.

Đoạn thơ được viết bằng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc ta, hơn thế, Tố Hữu còn tinh tế vô cùng khi đưa vào trong lời thơ của mình giọng ca dao nồng ấm. Lời thơ cất lên, ta nghe nó văng vẳng như tiếng của những lời ca dao xưa:

“Mình ơi, tôi nhớ thương mình
Cha mẹ chửi mắng chữ tình nặng thêm”

Mở đầu bằng lời ca giao duyên của đôi lứa, những câu hỏi liên tiếp được đưa ra bởi người ở lại. Tố Hữu để người ở lại cất lời trước như một cách để thể hiện tình cảm yêu thương tôn trọng, nhớ nhung với những con người ở nơi chiến khu gắn bó này. Ông còn để người Việt Bắc xưng hô “mình – ta”, đây là lối xưng hô của những đôi lứa yêu nhau, của những con người mà tình cảm đã gắn bó sâu nặng, như trong dân ca giao duyên ngày xưa. Những câu hỏi bật ra thật tự nhiên như hơi thở bởi người ở lại bao giờ cũng băn khoăn, cũng trăn trở hơn người ra đi, không biết rằng người đi có còn thương nhớ người ở lại hay chăng, như hình ảnh thuyền và biển:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

Những dòng thơ, những câu hỏi được người Việt Bắc đặt ra như biểu thị cho tâm lý của người ở lại vừa bồi hổi, vừa trăn trở, đắn đo. Đó là bởi vì tất cả mọi tình cảm và suy nghĩ đều hướng về những con người Cách mạng đang rời xa kia nên mới cất lên câu hỏi đó:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Người Việt Bắc còn nhắc nhỏm đến “mười lăm năm”, đây là quãng thời gian mà chúng ta đã cùng nhau chống Pháp, chống Nhật và của phong trào Việt Minh. Gần hai thập kỷ gắn bó cùng nhau, vậy mà giờ đây kẻ đi người ở, sao không băn khoăn, không bồi hồi được cơ chứ? Nỗi lòng người ở sao không đau đáu nặng nề được chứ?

Có lẽ vì thế mà trong bốn câu thơ của mình, người Việt Bắc đã dùng tới bốn từ “nhớ”. Nỗi nhớ nhung trong lòng người ở là vô cùng, vô tận, dồn dập trong sâu thẳm tâm hồn. Giọng thơ cứ đều đặn, dìu dặt như lời thủ thỉ của một cô gái trẻ nồng ấm, người Việt Bắc còn hỏi rằng:

“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?”

Câu hỏi mà như một lời dặn dò kín đáo của người Việt Bắc gửi tới những người ra đi rằng: Việt Bắc là cội là “nguồn” của kháng chiến, của Cách mạng, mười lăm năm qua đã thế và vẫn luôn là như thế, những người ra đi hãy luôn trân trọng và ghi nhớ những khoảnh khắc bên nhau. Không gian ở trong câu thơ cuối được mở ra vô cùng vô tận, không còn bó hẹp trong phạm vi của núi rừng Tây Bắc nữa mà vượt ra bên ngoài, từ không gian đến thời gian, từ “cây”, “núi”, đến “sông”, đền “nguồn”. Đó là những điều tượng trưng cho nỗi nhớ của người Việt Bắc dành cho những người ra đi cũng đồng thời là lời dặn dò ân cần của người ở lại. Tất cả thâu tóm lại thành nỗi lòng của người Việt Bắc cất lên trong lời đối đáp tha thiết.

Hơn mười lăm năm kháng chiến gắn bó cùng nhau, nay người Việt Bắc và những chiến sĩ Cách mạng phải rời xa nhau, bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu yêu thương cứ dâng tràn trong lòng người ở lại biến thành những câu hỏi, những lời băn khoăn. Như nàng Kiều mười lăm năm đẵng đẵng xa nhà với bao biến cố thì ở đây, Cách mạng và chiến khu cũng đã trải qua những vất vả khó khăn như thế để trưởng thành để giờ đây rời đi mà mang trong lòng bao điều thương nhớ.

Đáp lại những tình cảm sâu nặng của người ở lại, những người ra đi, những chiến sĩ Cách mạng cũng cất lên những lời nói từ tận đáy lòng mình:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Người ra đi đã hồi đáp những câu hỏi của người ở lại bằng những hành động cụ thể, bởi qua thời gian dài gắn bó, họ đã hiểu nhau vô cùng từ tình cảm tới cả tấm lòng. Tiếng hát ai văng vẳng lên bên “cồn” như lời đưa tiễn của người Việt Bắc dành cho người ra đi. Từng tiếng ca dìu dặt khiến cho tâm hồn người ra đi càng bồi hồi hơn nữa, bước chân càng rộn ràng hơn nữa. Tố Hữu đã sử dụng hai từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” để diễn tả trạng thái của những người ra đi. Đó là sự luyến tiếc, nhớ thương, bịn rịn với những người ở lại, ta tưởng như có những cái ngoái đầu, những lần cầm tay chẳng muốn buông, lần ra đi ấy buồn vui lẫn lộn. Những chiến sĩ Cách mạng ấy vui vì Cách mạng đã thành công, vui vì được trở về quê hương, thế nhưng, quê hương thứ hai của họ – Việt Bắc cũng khiến họ bịn rịn vô cùng, bồi hồi, thấm thía vô cùng. Tiếng bước chân giục giã lên đường để hoàn thành nhiệm vụ khiến họ “bồn chồn” mà tâm hồn lại cứ vấn vương ở đây, trong tiếng hát ai văng vẳng. Người ta chỉ cần đọc qua cũng thấy được, hiểu được sự ngập ngừng, dùng dằng nửa đi nửa ở của những người chiến sĩ đó. Mười lăm năm gắn bó đâu phải ngắn ngủi để ra đi không chút bịn rịn, ngập ngừng được chứ?

Tố Hữu cũng dùng ở trong câu thơ này hình ảnh “áo chàm”: đây là hình ảnh hoán dụ, tượng trưng cho những người Việt Bắc, những người dân nơi miền núi này. Hình ảnh chiếc áo với màu nâu chàm giản dị, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình đã ghim vào lòng chúng ta hình ảnh khó quên. Họ chân chất, mộc mạc là thế nhưng cũng chính họ đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến cứu quốc, giúp đất nước có được chiến thắng như hôm nay.

“Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Người ra đi người ở lại bịn rịn, luyến lưu cầm tay nhau không thốt lên lời. Câu thơ chứa đựng nỗi lòng, chứa đựng những xúc cảm trong lòng kẻ đi người ở. Bao nhiêu điều muốn nói, bao nhiêu yêu thương muốn gửi trao thế nhưng lại chẳng thể thốt lên lời. Người ra đi cũng giống như người Việt Bắc ở lại bồi hồi, bâng khuâng, tha thiết biết bao nhiêu! Dấu ba chấm được đặt cuối câu của người ra đi như một dấu lặng trong bản nhạc của cảm xúc, những bâng khuâng sâu lắng trong lòng không thể gửi trao giờ đây lắng lại. Họ im lặng “cầm tay nhau”, họ trao gửi tình cảm qua ánh mắt bởi bao nhiêu năm gắn bó, họ đã quá hiểu tấm lòng của đối phương rồi!

Bốn câu thơ của người ra đi là lời bày tỏ chân thành của những chiến sĩ Cách mạng khi phải rời chiến khu để đi thực hiện nhiệm vụ mới. Thế nhưng, mặc dù nhiệm vụ còn nặng trên vai, bước chân bồn chồn muốn cất lại chẳng thế, bởi những cảm xúc cứ dạt dào mãi trong lòng, lắng đọng trong lời nói và hành động. Người ra đi nào muốn chia xa nhưng vì đất nước, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà đành lòng ra đi, những tất cả những kỉ niệm yêu thương ở nơi này sẽ mãi mãi họ không bao giờ quên

Tám câu thơ ngắn ngủi ấy vậy mà chứa đựng biết bao nhiêu tâm tư của kẻ đi người ở. Bằng hình thức như một câu giao duyên của đôi lứa, Tố Hữu đã tái hiện được chân thực nỗi nhớ nhung, bịn rịn của những người ra đi, những người ở lại. Nhịp thơ chậm rãi, thể thơ lục bát truyền thống cùng những hình ảnh đẹp khiến người đọc không khỏi bồi hổi trước những dòng thơ trong sáng ấy.

Tám câu thơ chứa đựng hết thảy những tâm tư tình cảm của những con người Việt Bắc và những người chiến sĩ Cách mạng. Bằng tài năng của mình, Tố Hữu đã giúp chúng ta hiểu rõ tấm lòng của nhân dân Việt Bắc, những kỉ niệm, ký ức về một thời gian khổ, nhắc chúng ta phải trân trọng, phải ghi nhớ xương máu của nhân dân và những người anh hùng đã đổ xuống để có được ngày hôm nay.

—————HẾT—————–

Không chỉ tám câu thơ đầu chứa đựng rất nhiều hình ảnh đẹp, cảm xúc thiêng liêng mà mỗi câu thơ trong Việt Bắc đều chứa đựng những sắc thái, những tình cảm hết sức xúc động. Vậy nên hãy cũng theo dõi các bài viết khác như Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc, Phân tích nỗi nhớ của người cán bộ Cách mạng về xuôi đối với Việt Bắc trong bài Việt Bắc, Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định…, Phân tích đoạn thơ sau: “Mình về mình có… mái đình, cây đa” trong bài Việt Bắc để hiểu rõ thêm về tác phẩm Việt Bắc nhé!

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/binh-giang-8-cau-tho-dau-bai-tho-viet-bac-cua-to-huu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button