Giáo dục

Cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận

Bạn đang tìm tài liệu để làm bài văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận, đừng bỏ qua bộ tài liệu văn mẫu cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đọc tài liệu. Hy vọng những bài văn mẫu chọn lọc dưới đây sẽ giúp em hiểu hơn về tác phẩm và có thể hoàn thành các dạng bài tập làm văn liên quan.

  Cùng tham khảo em nhé!

Bạn đang xem bài: Cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận

Cảm nghĩ về bài thơ Vận nước của Đỗ Pháp Thuận

Đề bài: Nêu cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận.

Kiến thức cần nhớ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước)

1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

– Thiền sư Pháp Thuận (915 – 990) họ Đỗ, không rõ tên thật và quê quán. Theo chi chép trong sách Thiền uyển tập anh thì khi sư đã tu hành đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với “sấm ngữ”. Thời Lê Đại Hành mới dựng nước, nhà sư tham gia đắc lực vào việc hoạch định sách lượng, được vua kính trọng. Cũng theo nhận xét trong Thiền uyển tập anh ông là người “bác họ, công thi” (học rộng, thơ hay). Ông từng là cố vấn quan trọng dưới triều Tiền Lê.

– Đây không phải là một bài thơ sáng tác độc lập mà chỉ là câu trả lời Lê Đại Hành khi vua hỏi về vận nước ngắn dài (nguyên văn: “đế thường vấn sư dĩ quốc tộ đoản trường, sư vấn: Quốc tộ như đằng lạc…” – vua thường hỏi sư về vận nước ngắn dài như thế nào, sư nói: Vận nước như dây mây leo quấn quýt…).

* Chú ý nhận xét về tính chất “sấm ngữ” trong những lời thiền sư Pháp Thuận nói. “Sấm” là lời tiên đoán việc tương lai. Người xưa tin rằng có những nhà tiên tri có khả năng tiên đoán việc tương lai. Bình luận về hiện tượng các Thiền sư hay nói những lời có dáng vẻ sấm truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Đang Thục viết “Tiên tri sấm kí là khuynh hướng rất thực tiễn, có hoài vọng chiếm đoạt huyền năng tạo hóa để phụng sự cho nền thịnh vượng của quốc gia”.

2. Tác phẩm

2.1. Nội dung

– Hai câu thơ đầu:

“Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lí thái bình

(Vận nước như dây mây leo quấn quýt,

Ở cõi trời Nam mở ra cảnh thái bình)

Tác giả mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước. Nghệ thuật so sánh “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” vừa nói lên sự bền chặt, vừa nói lên sự lâu dài, sự phát triển thịnh vượng.

Một lời tiên đoán đầy tính khích lệ về tương lai của đất nước: “Triển vọng của đất nước là tốt đẹp, bền vững. Trời Nam mở ra vận hội thái bình. Hình ảnh “Nam thiên” (trời Nam) nói lên niềm tự hào kín đáo mà sâu sắc của tác giả về một đất nước độc lập so với Bắc quốc (có thể liên hệ với Đại cáo bình Ngô để thấy mạch tiếp nối của ý thức độc lập dân tộc này).

– Hai câu thơ cuối nói về đường lối trị nước:

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

(Vô vi ở nơi cung điện

Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh)

Một đường lối chính trị cho đấng quân vương: Để xây dựng được nền hòa bình vững chắc ấy, cần “vô vi”, không làm gì trái với tự nhiên, trái với đạo đức. Để cho nhân dân được an vui, hạnh phúc thì chỉ cần nhàn nhã ngồi trong chốn điện các mà khắp nơi yên ổn.

Đỗ Pháp Thuận khuyên nhà vua trong điều hành chính sự nên “vô vi” tức là thuận theo quy luật tự nhiên, dùng phương sách “đức trị” lấy đức mà giáo hóa dân. Được như vậy thì đất nước thái bình, thịnh trị, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không còn nạn đao binh.

2.2. Nghệ thuật

– Sử dụng hình ảnh sinh động: “dây mây leo quấn quýt” tượng trưng cho sự bền chắc của vận nước. Tác giả trước hết tiên đoán về vận hội tốt đẹp của đất nước đang mở ra, sau đó đưa ra lời khuyên kín đáo về chiến lược trị nước bằng “vô vi” nên chắc chắn dễ được tiếp nhận.

– Hai câu thơ 3 và 4 đối nhau tạo nên một hình tượng không gian rất thú vị: “Vô vi cư điện các” (Trị vì trong chốn điện các theo đạo vô vi) thì “Xứ xứ tức đao binh” (Khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh). Một tâm điểm nhỏ bé là cung điện, lầu các có thể phát ra nguồn năng lượng mạnh mẽ có khả năng chấm dứt binh đao, loạn lạc, trong một không gian bao la của đất nước. Tính thuyết phục của nguyên lý đức trị ngầm ẩn trong hai câu thơ.

>>> Đọc thêm: Hướng dẫn soạn bài Vận nước chi tiết và đầy đủ nhất

Một số bài văn mẫu nêu cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận

Bài văn mẫu 1

Năm 980, Lê Đại Hành được tướng sĩ và triều đình tôn lên làm vua, mở đầu triều đại nhà Tiền Lê. Năm 981, Lê Đại Hành đại phá giặc Tống xâm lược, năm sau đánh dẹp Chiêm Thành, mở ra một thời kì mới: thái bình cho đất nước.

Bài thơ “Quốc tộ” có lẽ đã được ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử như thế. Đỗ Pháp Thuận không chỉ nói về vận nước mà còn nhắc khẽ nhà vua phải làm gì, làm như thế nào để mở ra cảnh thái bình, thịnh trị cho đất nước.

Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Giọng thơ nhẹ nhàng, trầm ngâm:

“Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lí thái bình.

Vô vi nơi điện các,

Xứ xứ tức đao binh.”

Câu thơ đầu là một so sánh: “Quốc tộ như đằng lạc”. Vận nước như dây leo quấn quýt gợi tả sự vững bền của một đất nước; trăm họ muôn dân một lòng hướng về nhà vua. Vận nước có lúc suy vong, có lúc hưng thịnh. So sánh vận nước như mây quấn, như dây leo, một lời nói cụ thể ngợi ca đất nước bền vững.

Câu thơ nói rõ vận nước bền vững như thế nào? Đó là cảnh tượng: “Nam thiên lí thái bình”, đất nước Nam được thái bình. Giặc ngoại xâm đã bị đánh tan, giặc dã trong nước đã bị đánh dẹp, khắp mọi nơi của trời Nam được yên vui thái bình.

“Vận nước như mây quấn,

Trời Nam mở thái bình”.

Câu thơ thứ hai chữ Hán cất lên, vang lên như một lời ca: “Nam Thiên lí thái bình”. Nam Thiên được nói tới chính là “Nam quốc sơn hà” của nhân dân ta. Vần thơ như nén chặt lại, cảm xúc như lắng xuống sâu sắc, thâm trầm.

Hai câu 3, 4 kết cấu theo quan hệ điều kiện – kết quả. Nơi điện các phải vô vi là điều kiện. Khắp mọi nơi tắt hết đao binh là kết quả:

“Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh”.

(Vô vi trên điện gác,

Chốn chốn tắt đao binh).

“Vô vi” nghĩa đen là không làm gì cả. Ở nơi cung điện, nhà vua nhẹ sưu thuế, giám bớt việc binh dịch, quan tâm đến sản xuất, mở mang việc học hành, đem lại no ấm yên vui cho trăm họ… thì đó là “vô vi”. Trái lại, nơi cung điện vua chúa sống xa xỉ, hoang dâm vô độ… thì không phải là “vô vi”. Bậc thánh đế, minh quân trị nước mới biết “vô vi”. Có vô vi nơi điện gác thì khắp chốn cùng quê, nơi thôn cùng ngõ vắng mới không còn tiếng sầu muộn oán hờn, không còn cảnh loạn lạc nữa, việc binh đao được chấm dứt.

Có thể nói hai câu cuối bài thơ là kế dựng nước mà Đỗ Pháp Thuận tâu lên vua Lê Đại Hành. Lời thơ thể hiện ước vọng, nguyện vọng sâu xa của nhân dân ta thời bấy giờ: muốn đất nước thịnh trị, nhân dân được sống yên vui, thái bình.

Bài thơ biểu lộ một cái tầm cao về chính trị trong sách lược dựng nước, giãi bày một tấm lòng yêu nước, thương dân, một niềm khao khát hoà bình, một niềm tin về vận nước vững bền, thịnh vượng.

Hơn một nghìn năm trôi qua, bài thơ “Quốc tộ” của Đỗ Pháp Thuận vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa. Vận nước thời Tiền Lê là thái bình, là tắt đao binh. Vận nước ngày nay là đổi mới, dân giàu nước mạnh, hiện đại hoá, công nghiệp hóa đất nước.

Xem thêmPhân tích bài thơ Quốc tộ của Pháp Thuận

Bài văn mẫu 2

Theo Thiền uyển tập anh ngữ lục, vua Lê Hoàn thường hỏi thiền sư: “Vận nước ngắn dài thế nào?”. Nhà sư đáp lại bằng bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú để trả lời vua. Nhà sư ở đây không ai khác chính là Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ông chính là tác giả của bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú nói trên, đó là bài “Quốc tộ” (Vận nước). Thiền sư Pháp Thuận (915-990) họ Đỗ, không rõ tên thật và quê quán, là người “học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ thế cuộc đương thời” – Thiền uyển tập anh). Ông là một nhà nho yêu nước, tư tưởng của ông đã thấm nhuần được thể hiện ở trong văn chương, hay là trong những hành xử của ông đối với đất nước, nhất mực trung thành phò vua giúp nước. Nhà sư tham gia đắc lực vào triều chính thời Tiền Lê, có vị trí vai trò rất quan trọng được vua Lê Hoàn rất mực kính trọng và tin cậy. Vua Lê Hoàn thường hay tâm sự hỏi han ông về các việc triều chính, ông không chỉ là một nhà chính trị mà còn là một nhà thơ xuất sắc. Những tác phẩm của ông viết ra có tầm ảnh hưởng lớn lao đến sự nghiệp văn chương và công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Tiêu biểu là tác phẩm “Quốc tộ”, bài thơ được làm sau năm 981-982, khi vua Lê Hoàn đích thân đi chinh chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ dân tộc và kết quả toàn thắng. Bài thơ “Quốc Tộ” được coi như là một trong những bài thơ sớm nhất có tên tác giả của Việt Nam. Bài thơ chính là lời tiên tri của Pháp sư khi trả lời câu hỏi về vận nước của nhà vua.

Đây là một trong những tác phẩm mở đầu văn học viết Việt Nam. Bài thơ bắt đầu bằng hai chữ “Quốc Tộ” đã tạo nên sự mở đầu ý nghĩa: ngôi nước được tôn cao (tộ có nghĩa là ngôi), phúc nước được trường thịnh (tộ còn có một nghĩa nữa là phúc – lành, may). Bài thơ này là lời đáp của Thiền sư Pháp Thuận khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, cô đọng ngắn gọn, vẻn vẹn hai mươi chữ mà ý nghĩa thật sâu xa.

Ở câu thơ đầu tiên, tác giả mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận may của đất nước:

“Vận nước như mây quấn

(Quốc tộ như đằng lạc)

Nghệ thuật so sánh vận nước như dây mây leo quấn quýt vừa gợi sự bền chặt, vừa gợi sự dài lâu, sự phát triển thịnh vượng. Cả câu ý nói vận may của nước nhà bền chặt. Tiếp theo câu thơ thứ hai là cách nói trực tiếp:

Trời Nam mở thái bình

(Nam thiên lí thái bình)

Hai câu thơ đầu đã phản ảnh một tâm trạng phơi phới niềm vui, niềm tự hào, lạc quan của tác giả đồng thời củng cố niềm tin của nhà vua vào vận nước. Cái hay ở đây đó là hai chữ “thái bình”, vì hai chữ này vừa kết hai câu thơ đầu vừa mở đầu vừa mở vào hai câu cuối. Vận nước xoay quanh hai chữ “thái bình” mà đường lối trị nước cũng hướng tới hai chữ “thái bình”. Tuyên ngôn của hai câu đầu vang lên là mục đích, là khát vọng hòa bình, no ấm, sống trong sự thái bình của tác giả đối với vận mệnh của đất nước. Ở hai câu thơ đầu này thì tác giả sử dụng những hình ảnh sinh động như: “dây mây leo quấn quýt” tượng trưng cho sự bền chặt, chắc chắn của vận mệnh đất nước. Câu thứ hai ở từ “trời Nam” (Nam thiên) nhắc tới “Nam quốc sơn hà” đó là niềm tự hào và khẳng định chủ quyền của nước ta độc lập.

Đường lối trị nước, cô đọng lại trong hai chữ “vô vi”:

Vô vi trên điện các

Chốn chốn dứt đao binh

(Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh)

“Vô vi” theo Lão Tử là thuận theo tự nhiên, không làm gì trái với quy luật tự nhiên. Vô vi theo Nho gia là phương sách đức trị: “trị nước bằng đức thì vô vi mà thiên hạ theo về”. Vô vi khi vào Phật có Pháp vô vi đề cao từ bi, bác ái, lấy đức hóa dân, không cần dùng đến các biện pháp bạo lực. Như trong bài thơ này tác giả sử dụng từ “vô vi” còn mang ý nghĩa khuyên con người hãy sống thật sống hợp với lẽ tự nhiên. Trách nhiệm cao cả của một nhà vua đó là là tu nhân tích đức, sống có đạo đức thì mới cảm hóa được lòng dân, nhân dân mới tin tưởng, khâm phục, theo đó làm gương. Nhà vua phải hiểu được lòng dân muốn gì, hành xử với nhân dân ra sao hợp lí với quy luật tự nhiên, đó là kế sách trị nước lâu dài trong quan hệ nhân quả luân hồi. Vậy ý của Thiền sư đó là muốn khuyên nhà vua hãy dùng phương pháp lấy đức trị quốc, lấy cái đức mà giáo hóa nhân dân. Tiếp theo đó là chữ “cư” trong “cư điện các” nếu hiểu theo nghĩa đơn thuần đó là “ở nơi điện gác”, những ở đây tác giả lại muốn nói đến cách cư xử, điều hành. Còn “điện các” là để chỉ cung điện nơi bàn việc chính sự. Như vậy thì “cư điện các” là muốn nói tới nơi triều chính điều hành chính sự. Có thể nói rằng ở hai câu thơ cuối là kế dựng nước mà Thiền sư Đỗ Pháp Thuận muốn tâu lên nhà vua. Lời thơ như một tấm chân tình mà Thiền sư muốn nói lên ước nguyện của dân ta đó là muốn đất nước thịnh trị, nhân dân được sống trong no ấm thái bình.

Chúng ta đặt bài thơ vào hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ mới thấy được sự tài giỏi, tầm nhìn rộng lớn sâu sắc của Thiền sư và cũng cho chúng ta thấy ý thức trách nhiệm của đại sư đối với đất nước. Sau nhiều năm bảo vệ, giữ gìn, nhưng cũng rất nhiều năm chiến tranh loạn lạc do nội chiến – loạn mười hai sứ quân và được Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn thống nhất đất nước, do chiến tranh xâm lược, sự nổi dậy của những thế lực muốn tạo phản lật đổ vua để cướp vương vị, thì vào năm 981 với cuộc chiến tranh xâm lược của quân Tống, Lê Hoàn đã đánh bại quân Tống thì đất nước ta bước vào thời kì tương đối ổn định. Tuy vậy nhưng những phần tử vẫn luôn muốn mưu toan nổi dậy, những tập tục hung hãn thời bấy giờ vẫn còn, nhưng nguyện vọng của con người bấy giờ chính là sự “thái bình”, nhân dân vẫn luôn ước vọng sẽ sống trong sự yên ổn, không có sự đổ máu, đất nước sống trong sự đoàn kết không chém giết lẫn nhau. Vậy chúng ta thấy được sự sáng suốt và nhanh nhạy trong suy nghĩ của Thiền sư khuyên nhà vua trị nước bằng đường lối “vô vi”, hãy lấy đức để cảm hóa lòng dân và đó cũng chính là ước nguyện của nhân dân muốn.

Bài thơ được viết ra dưới tình yêu quê hương đất nước, yêu con người của tác giả, vì vậy khi đọc bài thơ mang một âm hưởng nhẹ nhàng, trầm ấm thể hiện tấm lòng cao cả và đầy chất nhân văn trong tâm hồn nhà thơ. Bài thơ góp phần vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ đất nước bằng thơ ca, còn cho thấy cái tầm nhìn xa trông rộng về chính sách dựng nước. Không chỉ có thể đây còn là một bài ca, ca ngợi đất nước, một niềm tin về đất nước vững bền thịnh vượng dài lâu. Đã hơn một nghìn năm trôi qua vậy mà bài thơ “Quốc Tộ” của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận vẫn còn giữ nguyên giá trị đến tận bây giờ và mãi về sau này. Vận nước dưới thời Tiền Lê là thái bình, là tắt đao binh, nhân dân được sống trong no ấm. Vậy ở thời hiện nay chúng ta phải cố gắng hết sức để bảo vệ đất nước, đổi mới đất nước để đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Là thế hệ trẻ chúng ta hãy học và thực hành tốt tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ để áp dụng vào đời sống.

Bài văn mẫu 3

Đỗ Pháp Thuận là một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào yêu nước, khát vọng giành độc lập tiêu biểu của dân tộc. Tiêu biểu trong đó có bài thơ Quốc Tộ được tác giả viết vào năm 981 sau khi trả lời kế sách bình thiên hạ cùng với Lê Đại thành.

Mở đầu bài thơ của mình, tác giả đã dùng lối nghệ thuật so sánh với câu: “Quốc tộ như đằng lạc”, từ “Quốc tộ” ở đây chính là việc nước, lúc đó chúng ta thường nghĩ đến những kế sách để dựng nước, bảo vệ tổ quốc của mình. Những trí tuệ sáng tạo được đưa ra bởi những người được xem là hiền tài của đất nước, tác giả đã sử dụng những câu thơ để so sánh làm tăng thêm độ cứng cũng như chất thép cho câu thơ tác giả muốn nói đến.

Việc nước mang một ý nghĩa khái quát như là cái cách mà chúng ta vẫn thường đối nhân xử thế, hay cái cách mà chúng ta dùng để trong đối nội đối ngoại với các nước láng giềng. Để có thể chăm sóc cho những người dân khi mà đất nước đang còn có một nền tảng về quốc phòng, quân sự còn quá non yếu.

Nó chẳng phải chỉ có ý nghĩa cho sự vững bền, dài lâu hay phát triển một cách thịnh vượng. Tâm trạng của tác giả chính là tiếng nói của từng con người trong từng thời đại khác nhau. Mang một tấm lòng yêu nước với khát khao làm cho đất nước cùng dân chúng luôn được sống trong cảnh ấm no thịnh vượng:

“Quốc lộ như đằng lạc

Nam thiên lí thái bình”

Tạm dịch:

“Vận nước như dây mây leo quấn quýt

Ở cõi trời Nam mở ra cảnh thái bình.”

Đây như là một lời tuyên ngôn mục đích, là khát vọng cho hòa bình của tác giả đối với vận mệnh chung của đất nước, nói đến quá trình đánh cho giặc tan rã và giành độc lập dân tộc đưa đất nước tiến lên một tầm cao mới, đất nước thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc:

“Giặc than muôn thủa thăng bình

Bởi đâu đất hiểm cốt hình đức cao“

Có lẽ rằng đây chính là bài ca của sự hòa bình, những mong muốn có thể đánh đuổi được bọn giặc ngoại xâm để giành độc lập về cho dân tộc, muốn cho dân chúng có thể chung sống và được hưởng thái bình, có cuộc sống bình yên, đất nước được tự do sẽ không có cảnh tang thương, nước mất nhà tan sự bi thương của những lần tàn phá.

Vì vậy, các vua quan cần đưa ra những giải pháp cũng như những hành động cụ thể để thể hiện lên những trách nhiệm và vai trò của vua tôi đối với dân chúng của một đất nước đang trong thời kì loạn lạc.

“Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh”

Qua câu thơ trên tác giả muốn tỏ rõ là một thái độ sống phù hợp với tự nhiên, không làm trái với những quy luật của tự nhiên và xã hội. Từ “vô vi” ở đây có nghĩa là không làm gì cả mà nó có nghĩa sâu hơn đó là thuận theo tự nhiên và không làm trái ý nó.

Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa là khuyên răn dạy bảo cho những con người về cách sống hợp với quy luật của tự nhiên, trách nhiệm của người làm vua là phải không ngừng tu nhân tích đức, phải có sức cảm hóa thì mới làm cho dân chúng phục và lấy làm noi theo.

Đức sáng thì tâm mới quy, phải có một tâm hồn thánh thiện và đức tính tốt đẹp cao cả thì dân chúng mới có thể quy phục, mới thu hút và chiếm được lòng dân, nhà vua phải là người luôn hiểu được lòng dân, phải lấy dân làm gốc rễ phát triển đất nước. Phải có một thái độ ứng xử với dân hợp lý, hợp tình, thường xuyên bám sát vào đời sống nhân dân thì mới hiểu được những mong muốn cũng như những khó khăn mà người dân đang từng ngày phải gánh chịu.

Những điều trên phải là chân lý để nhà vua lấy làm tiền đề để cai trị đất nước, có như thế thì đất nước mới phát triển, vua tôi mới có thể đồng lòng cùng chung tay để xây dựng và cai trị đất nước theo một quy luật nhân quả đó.

Điều mà tác giả đang muốn nhắc tới trong câu thơ này đó chính là khát vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân, điều này sẽ thực sự khả thi khi mà dân chúng đoàn kết và cùng nhau chung sức để đánh đuổi giặc ngoại xâm và vua luôn phải là một tấm gương sáng và đi đầu trong phong trào chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước.

Bài thơ là tấm gương sáng để chúng ta có thể nhận thức được sự đúng đắn cũng như tầm quan trọng của tự do với một đất nước là niềm tin vững chắc lấy kế sách lấy sự hòa bình, bảo toàn lãnh thổ và làm yên lòng dân làm trọng yếu để bảo vệ tổ quốc.

———————–

    Trên đây là hướng dẫn làm bài cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận bao gồm các kiến thức cần nhớ về tác phẩm và những bài văn mẫu chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá để tham khảo những bài văn mẫu lớp 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

[Văn mẫu 10] Tham khảo văn mẫu nêu cảm nghĩ về bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận qua đó nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tự do với một đất nước.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/cam-nghi-ve-bai-tho-quoc-to-van-nuoc-cua-do-phap-thuan/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button