Giáo dục

Cảm nhận về tiếng đàn của người kĩ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tì bà hành

Đề bài: Cảm nhận về tiếng đà của người kĩ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tì bà hành

cam nhan ve tieng da cua nguoi ki nu tren ben tam duong trong bai ti ba hanh

Bạn đang xem bài: Cảm nhận về tiếng đàn của người kĩ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tì bà hành

 

I. Dàn ý Cảm nhận về tiếng đàn của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tỳ bà hành

1. Mở bài

– Sơ lược về tỳ bà.
– Giới thiệu về tiếng đàn của người ca nữ trên bến Tầm Dương trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.

2. Thân bài

* Hoàn cảnh sáng tác:

– Cuộc hội ngộ của người ca nữ và nhà thơ trên bến Tầm Dương, khi ông nhậm chức ở Cửu Giang (Trung Quốc), lòng yêu thức âm luật đã là cầu nối cho 2 tâm hồn đồng cảnh ngộ.

* Phần một “Nghe não nuột…trước sau muôn vàn”:

– Tiếng đàn mang đến cảm giác não nề vô vàn, đó là sự bứt rứt buồn thương, là tiếng than thở cho những nỗi niềm “tấm tức” đã cất giấu trong lòng người đàn bấy nhiêu lâu nay
– Tiếng than thở của người ca nữ chỉ là sự tự xót thương cho thân phận nổi trôi, lạc lõng của mình chứ không kề có điểm oán hận, than trách cuộc đời.
=> Một khúc dạo sầu ấy chính là lời gặp mặt, là lời tương ngộ với người tri kỷ, mở ra một cơ hội được bày tỏ nỗi niềm tâm sự.

* Phần 2 “Ngón buông…trò chuyện riêng”:

– Tài năng chơi đàn của người ca nữ trong sự biến chuyển linh hoạt giữa các khúc nhạc, âm thanh biến hóa khác biệt theo từng cầm khúc lúc dồn dập, mạnh mẽ thì tựa như trời “đổ mưa rào” rồi lại tạnh, sau đó lại tinh tế chuyển sang âm sắc tỉ tê, thủ thỉ tâm tình “nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng”.
=> Sự tinh tế và am hiểu âm luật trong cách thưởng đàn của thi nhân.
– Là sự thông cảm và thấu hiểu sâu sắc hai người cùng cảnh ngộ, mà qua tiếng đàn dường như họ đã có sự trao đổi sâu sắc tâm tình sầu bi.

* Phần 3: “Tiếng cao thấp…lựa vào bốn dây”: Bộc lộ tài năng miêu tả và cảm âm của tác giả, thông qua đó cũng là bộc lộ tài năng trác tuyệt của người ca nữ ôm đàn.

– Âm thanh lúc âm trầm day dứt, lúc lại thánh thót như rót vào tâm hồn thanh thúy như “Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu”.
– Khiến người nghe tưởng như mình lạc vào cảnh tiên với hoa thơm, với tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách trong lành, của chốn thế ngoại đào nguyên.
– Dùng một loạt những hình ảnh tượng trưng như “tiếng suối lạnh”, “ôm sầu, đau giận”. “bình bạc vỡ”, “ngựa thét giong”, thật “thanh tao”, “buông xé lụa” để miêu tả sắc nét tiếng đàn trác tuyệt của người ca nữ.

3. Kết bài

– Nêu cảm nhận về thi nhân và người ca nữ thông qua tiếng đàn.

 

II. Bài làm Cảm nhận về tiếng đàn của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tỳ bà hành

Rất khó để miêu tả về âm thanh của tỳ bà, âm cao thì tựa như tiếng nhạc từ thiên đình rót xuống, cao, xa, trong, thanh, âm trung thì dịu dàng mềm mại, còn âm thấp lại đặc biệt mang cảm giác phong trần bi ai, tựa như tiếng khóc thương nghe buồn day dứt khôn cùng. Và khi nhắc về tỳ bà người ta thường hay liên tưởng đến một kiếp hồng nhan bạc mệnh, chịu cảnh phong trần khổ ải, nên tiếng nhạc mới ai oán, xót xa và dường như cầm phổ cho tỳ bà cũng phần lớn mang giai điệu buồn thương, chỉ có một số ít là mang giai điệu hào hùng, bi tráng hoặc nhẹ nhàng chậm rãi. Chính bởi những ấn tượng về khúc nhạc tỳ bà của người kỹ nữ bên bến Tầm Dương mà Bạch Cư Dị đã viết hẳn một bài thơ gồm 616 lời tên Tỳ bà hành để tặng cho nàng, người phụ nữ có số phận lưu đày bất hạnh. Trong đó có một đoạn dài là để miêu tả tiếng tỳ bà của người ca nữ với những âm sắc, thanh điệu và mạch cảm xúc khác nhau để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, đồng thời qua tiếng đàn số phận của người ca nữ càng được bộc lộ rõ ràng.

Chuyện kể rằng khi Bạch Cư Dị về nhậm chức Tư Mã ở quận Cửu Giang (Trung Quốc), trong một lần tiễn khách trên bến Tầm Dương thì vô tình nghe được tiếng tỳ bà mang âm hưởng kinh thành tỉ tê trên bến sông khiến ông chú ý không thôi. Với lòng yêu thích đàn sáo ông bèn tìm gặp người đàn, cốt muốn nghe lại khúc nhạc vừa qua, người ca nữ gặp được người biết thưởng đàn thì cũng lấy làm vui lòng mà đàn thêm khúc nữa.

“Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn”

Tiếng đàn vừa vang lên đã mang đến cảm giác não nề vô vàn, đó là sự bứt rứt buồn thương, là tiếng than thở cho những nỗi niềm “tấm tức” đã cất giấu trong lòng người đàn bấy nhiêu lâu nay, chỉ có thể mượn tiếng đàn nỉ non, thánh thót để giãi bày. Bạch Cư Dị thưởng đàn nhưng cũng không quên quan sát người đàn để cảm nhận cho trọn vẹn tâm tình của khúc nhạc, chỉ một cái “chau mày” cũng đã đủ hiểu người ca nữ có biết bao phiền muộn muốn tỏ bày. Thế nhưng tiếng than thở của người ca nữ chỉ là tự xót thương cho thân phận nổi trôi, lạc lõng của mình chứ không kề có điểm oán hận, than trách cuộc đời. Một khúc dạo sầu ấy chính là lời gặp mặt, là lời tương ngộ với người tri kỷ, mở ra một cơ hội được bày tỏ nỗi niềm tâm sự, giữa những kẻ bèo nước gặp nhau, người có tài nghệ, người thưởng thức đó chính là cơ may hiếm có của đời người. Cái cách mà Bạch Cư Dị cảm âm, đã mang đến cho người đọc chính xác tâm trạng người ca nữ, chỉ một chữ “sầu”, tiếng đàn tỳ bà ở những âm trầm tựa như giọt nước mắt của phận hồng nhan, day dứt rớt xuống cùng với tiếng đàn thấm vào lòng khách nghe. Bao tâm tình chất chứa theo tiếng đàn mà vương vào cảnh, vương cả vào lòng thi nhân. Nhưng tài nghệ của người ca nữ đâu chỉ ở bậc gảy ra được khúc sầu mà là sự thiên biến vạn hóa, nhuần nhuyễn thuần thục trong cách chơi đàn:

“Ngón buông, bắt, khoan hoan dìu dặt,
Trước “Nghê thường”, sau thoắt “Lục yêu”.
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng”

Bằng đôi mắt tinh tường, và vốn hiểu biết về âm nhạc sâu rộng Bạch Cư Dị dễ dàng nắm bắt được từng ngón gảy linh hoạt của người ca nữ, cũng như thấy được sự chuyển khúc để mà gọi tên từng khúc phổ nào “Nghê Thường”, nào “Lục Yêu”. Với khả năng cảm thụ âm nhạc, và một tâm hồn thi nhân phong phú ca từ, trong mắt của Bạch Cư Dị tiếng đàn biến hóa khác biệt theo từng cầm khúc lúc dồn dập, mạnh mẽ thì tựa như trời “đổ mưa rào” rồi lại tạnh, sau đó lại tinh tế chuyển sang âm sắc tỉ tê, thủ thỉ tâm tình “nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng”. Từ cách cảm thụ âm nhạc tuyệt vời của thi sĩ, ta mới nhận ra một điều rằng người ca nữ mang bên mình một ngón đàn tuyệt kỹ, thế gian cũng chẳng nhiều người có được cái ngón đàn điêu luyện bậc thầy ấy. Nhưng có lẽ chính cái tài sắc đã khiến cuộc đời nàng gặp nhiều truân chuyên, trắc trở, điều ấy cũng tương đồng với văn nhân, dẫu hiểu sâu biết rộng thế nhưng cũng phải chịu kiếp lưu đày về nơi khỉ ho cò gáy, rời xa chốn kinh đô, tựa như cá mắc cạn, không sao thi bày cái tài năng của mình. Giữa ca nữ và văn nhân chính là sự thông cảm và thấu hiểu sâu sắc hai người cùng cảnh ngộ, mà qua tiếng đàn dường như họ đã có sự trao đổi sâu sắc tâm tình sầu bi.

“Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.”

Đến 14 câu thơ tiếp chủ yếu là cách mà Bạch Cư Dị thưởng thức và bộc lộ tài năng miêu tả và cảm âm của mình, thông qua đó cũng là bộc lộ tài năng trác tuyệt của người ca nữ ôm đàn. Văn nhân dường như đã hoàn toàn đắm chìm vào tiếng đàn lúc âm trầm day dứt, lúc lại thánh thót như rót vào tâm hồn ấy mà theo cách nói của tác giả thì âm thanh ấy thanh thúy như “Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu”. Tài năng của người ca nữ còn thể hiện rõ nét hơn với khả năng chơi đàn đến cảnh giới khiến người nghe tưởng như mình lạc vào cảnh tiên với hoa thơm, với tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách trong lành, rõ là chốn thế ngoại đào nguyên. Rồi lại kéo người thưởng đàn ra khỏi cảnh tiên chỉ bằng tiếng đàn như “tiếng suối lạnh”, im bặt tiếng tơ, ngẩn ngơ rồi lại tiếp tục hòa mình vào khúc nhạc, nhưng ấy chẳng còn là khúc nhạc vui, mà là tiếng tỳ bà lặng lẽ “ôm sầu, đau giận”. Sau cái màn lặng lẽ, thoắt cái, tỳ bà lại phát ra những âm thanh hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát tựa như tiếng “bình bạc vỡ”, “ngựa thét giong”, thật “thanh tao” như khúc nhạc đến từ thiên đình. Cuối cùng kết bằng một màn “buông xé lụa” âm thanh cao vút trong trẻo kết thúc một bản đàn tuyệt vời, khiến văn nhân xúc động khôn nguôi.

Quả thực đàn tỳ bà và tiếng tỳ bà rất phù hợp với những kiếp người đa sầu đa cảm, phải có một tâm hồn thật tinh tế như Bạch Cư Dị thì may ra mới đủ khả năng cảm nhận và đưa tiếng đàn tuyệt diệu của người ca nữ bên bến Tầm Dương ấy vào thơ của mình rồi đem tặng lại cho người đã đàn ra khúc cầm ấy, thay cho lời cảm tạ. Tiếng tỳ bà trong Tỳ bà hành mang theo tâm trạng của một kiếp người trôi nổi, bạc bẽo, buồn thương, xót xa nhưng không hề oán trách số phận, đó cũng là tâm trạng của chính thi nhân Bạch Cư Dị lúc bấy giờ, một kẻ sĩ bị lưu đày chốn hẻo lánh, xa xôi với cái chức Tư Mã quèn.

Sau khi tìm hiểu xong bài Cảm nhận về tiếng đàn của người kĩ nữ trên bến Tầm Dương trong bài Tì bà hành, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 mà chúng tôi đã tổng hợp được: Phân tích bài thơ Hứng trở về, Phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người, Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài), Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.

tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-tieng-dan-cua-nguoi-ki-nu-tren-ben-tam-duong-trong-bai-ti-ba-hanh/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button