Đề bài: Phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu
Bạn đang xem bài: Phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu
Phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu
I. Dàn ý phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu (Chuẩn)
Giới thiệu khái quát về vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu.
2. Thân bài
a. Phân tích vấn đề lý tưởng cách mạng trong thơ Tố Hữu
– Lý tưởng sống của Tố Hữu được khẳng định từ cột mốc bắt gặp ánh sáng cách mạng.
– Ông coi cách mạng là “mặt trời chân lý”: “Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng”.
– Lý tưởng sống của Tố Hữu được hình thành và gắn bó chặt chẽ với cái nôi của lý tưởng cách mạng, thể hiện qua…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu tại đây
II. Bài văn mẫu Phân tích vấn đề lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu (Chuẩn)
Trong các tác phẩm của mình, các nhà văn, nhà thơ luôn thể hiện những giá trị tư tưởng, cốt lõi được đúc rút từ những chiêm nghiệm của bản thân. Đó là nhà văn Nguyễn Tuân với hành trình đi tìm “cái đẹp” đích thực, là nhà văn Nam Cao với những trăn trở, suy tư về bi kịch bần cùng hóa, tha hóa, lưu manh hóa của người nông dân và bi kịch của người trí thức, đó là Xuân Diệu với quan niệm sống chạy đua với thời gian, tuổi trẻ,…. Còn đối với Tố Hữu, trong thơ ông luôn hiện hữu lên những suy ngẫm về giá trị của cuộc sống và đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Ôi, sống đẹp là gì hỡi bạn” (Trích “Một khúc ca xuân” – Tố Hữu). Qua những sáng tác đậm chất trữ tình – chính trị, chúng ta có thể khẳng định rằng giá trị cốt lõi trong thơ Tố Hữu là vấn đề lí tưởng, lẽ sống mang tính tích cực và đúng đắn. Đó là lý tưởng kiên trì đi theo con đường cách mạng và lẽ sống vì cộng đồng, vì cái “ta”chung.
Qua những tác phẩm của Tố Hữu, chúng ta có thể khẳng định lý tưởng sống của ông gắn bó chặt chẽ với lý tưởng cách mạng. Kể từ khi bắt gặp ánh sáng của mảnh đất cách mạng, trong ông đã bừng lên ngọn lửa đầy nhiệt huyết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
(Trích “Từ ấy” – Tố Hữu)
“Từ ấy” – cột mốc đánh dấu thời điểm Tố Hữu gặp gỡ con đường cách mạng. Chàng trai trẻ sau khi giác ngộ lý tưởng trở nên hăm hở, nhiệt huyết, say sưa trong khúc ca vui tươi và tràn trề sức sống. Ông coi cách mạng là “mặt trời chân lý” dẫn dắt ông đi qua những tăm tối, đồng thời chiếu rọi tư tưởng, tâm thức, lý trí, tình cảm của bản thân, để rồi từ đó trong ông “bừng nắng hạ”- thứ ánh sáng duy nhất và vĩnh hằng: “Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng” (Trích “Như những con tàu” – Tố Hữu). Trong tất cả bảy mươi mốt bài thơ của tập “Từ ấy” – tập thơ đầu tay của Tố Hữu đều xuyên suốt mạch nguồn của đấu tranh cách mạng, tưởng như mỗi hơi thở của nhân vật trữ tình đều là nhịp thở của lý tưởng cách mạng. Chính nhà thơ đã tự mình trải lòng, bộc bạch khẳng định lẽ sống hết mình đó:
“Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà”
(Trích “Trăng trối” – Tố Hữu)
Như vậy, lí tưởng sống của tác giả Tố Hữu luôn gắn bó mật thiết với lý tưởng cách mạng, ông sẵn sàng đem hết tất cả tài năng, trí tuệ cũng nhiệt huyết, quyết tâm để vững lòng và “một lòng một dạ” đi theo chủ nghĩa cách mạng. Đó chính là tinh thần yêu nước sâu sắc cùng ý chí liên tục, quyết liệt đấu tranh đánh đổ ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà – lý tưởng cao đẹp luôn ngời sáng trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trường kì, gian khổ nhưng vô cùng vĩ đại, vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Bởi lý tưởng sống được hình thành từ cái nôi cách mạng nên lẽ sống của Tố Hữu cũng hết sức cao đẹp. Khi nhịp bước trong con đường đầy ánh sáng của Đảng, ông đã xác lập lẽ sống vì cộng đồng, đặt cái “tôi” riêng và cái “ta” chung trong mối quan hệ hài hòa, gắn bó mật thiết:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi nhà
Để tình trang trải đến trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm vạn khối đời”
(Trích “Từ ấy” – Tố Hữu)
Tác giả tự nguyện “buộc lòng tôi với mọi nhà” để có thể gắn kết, để tình cảm của mình lan tỏa đến “trăm nơi”, để tâm hồn hòa nhịp với “bao hồn khổ” và đến gần hơn nữa với “vạn khối đời” của quần chúng cần lao, của nhân dân đang lao khổ dưới ách áp bức bóc lột. Tố Hữu muốn hòa mình, muốn đồng hành, sống chan hòa cùng nhân dân để đi sâu vào đời sống của quần chúng, để sẻ chia, để gánh vác. Không chỉ kết thúc ở đó, ông còn nâng tầm khát khao gắn bó đến độ “ruột thịt”:
“Tôi là con của vạn nhà
Là anh của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”
(Trích “Từ ấy” – Tố Hữu)
Điệp từ “là” được lặp đi lặp lại đã khẳng định khao khát mãnh liệt muốn được hòa nhập cùng cuộc sống lao khổ của nhân dân. Dưới ánh sáng chân lí của chủ nghĩa cách mạng, của Đảng, trái tim Tố Hữu tràn ngập tinh thần nhân ái và khát vọng cống hiến hết mình, tạo nên giai điệu thắm thiết, chân thành của tình yêu giai cấp.
Như vậy, qua những sáng tác của Tố Hữu, chúng ta có thể thấy được lời tuyên ngôn về lý tưởng sống và lẽ sống hết sức cao đẹp, tràn đầy tinh thần lạc quan và nhiệt huyết. Tất cả được hình thành, tôi luyện và gắn bó chặt chẽ với cái nôi của lý tưởng, chủ nghĩa cách mạng. Đó cũng chính là yếu tố tạo giai điệu, âm hưởng mang tính trữ tình – chính trị trong hồn thơ Tố Hữu, đồng thời tạo nên một nhà thơ – người chiến sĩ với những phẩm chất tốt đẹp và ngời sáng bản lĩnh cách mạng.
——————-HẾT——————
Các em vừa cùng chúng tôi tìm hiểu về lý tưởng, lẽ sống trong thơ Tố Hữu, để thấy được lẽ sống cao đẹp, lòng nhiệt huyết, trung thành của Tố Hữu với cách mạng, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy, Phân tích lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu, Trình bày sự chuyển biến trong tình cảm của cái tôi trữ tình trong bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng.
Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm