Đề bài: So sánh tài sắc của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều
Bạn đang xem bài: So sánh tài sắc của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều
I. Dàn ý So sánh tài sắc của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều
1. Mở bài
Tài sắc của hai chị em Thúy Kiều được tác giả Nguyễn Du khắc họa rõ nét qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.
2. Thân bài
– Những nét chung của Thúy Vân và Thúy Kiều:
+ Là hai chị em ruột sinh ra trong gia đình Vương viên ngoại
+ Hai người đều có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, “mười phân vẹn mười”
+ Hình thức đẹp, tinh thần trắng trong, thuần khiết
* Vẻ đẹp của nàng Vân
+ Thúy Vân có vẻ đẹp là sự hài hoà giữa nét sang trọng và thanh lịch
+ Nàng có khuôn mặt tròn phúc hậu tựa vầng trăng
+ Hàng lông mày kiều diễm, sắc sảo “nét ngài nở nang”
+ Nụ cười Thúy Vân xinh đẹp như hoa, lời nói ngọc ngà thốt ra đầy ngọt ngào mà ý vị
+ Làn tóc mượt mà hơn mây, nước da trắng ngần hơn tuyết
* Vẻ đẹp của nàng Kiều
Ngoại hình và tài năng đều có phần hơn Vân
– Ngoại hình:
+ Kiều có vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà
+ Đôi mắt nàng tựa làn nước mùa thu êm đềm dịu nhẹ
+ Nét mày ngài xinh đẹp tựa dáng núi mùa xuân
+ Vẻ đẹp ấy khiến hoa ghen, liễu hờn
– Tài năng:
+ Thông minh sẵn có
+ Giỏi giang về cầm, kỳ, thi, họa
– Phẩm hạnh: Cốt cách thanh cao của con gái một gia đình mẫu mực, khuôn phép
3. Kết bài
Bằng thủ pháp đòn bẩy ấn tượng, Nguyễn Du đã thể hiện được hình ảnh nàng Thúy Kiều và Thúy Vân ấn tượng mà đầy tinh tế.
II. Bài văn mẫu So sánh tài sắc của chị em Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Nguyễn Du là một trong những tác gia nổi bật nhất trong nền văn học Trung đại. Truyện Kiều chính là thị phẩm xuất sắc nhất của ông, tác phẩm được coi là kiệt tác, tinh hoa của văn học dân tộc. Trong tác phẩm, Nguyễn Du không chỉ thể hiện được tài năng trong ngòi bút mình khi khắc họa nội tâm nhân vật, sử dụng ngôn từ nghệ thuật tinh chọn mà ngòi bút điêu luyện ấy còn được thể hiện qua cách xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo. Tài sắc của hai chị em Thúy Kiều được khắc họa qua hồn thơ giàu hình ảnh trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều ” đã cho thấy tài năng bậc thầy của tác giả.
Mở đầu đoạn trích, tác giả giới thiệu khái quát về hình ảnh của hai người con gái Thúy Kiều và Thúy Vân xinh đẹp:
” Đầu lòng hai ả tố Nga
Thúy kiều là chị em là Thuý Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười’
Thúy Kiều, Thúy Vân là hai chị em gái trong gia đình Vương viên ngoại. Thúy Kiều là chị cả, Thúy Vân là cô em gái của nàng. Hai người đều có vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” dù vẻ đẹp có khác nhau song đều trọn vẹn cả “mười phân vẹn mười”. Đó là vẻ đẹp tròn đầy với tâm hồn trong trắng, thuần khiết, cốt cách thanh cao như mai, tinh thần sáng trong như tuyết, họ không chỉ mang vẻ đẹp về ngoại hình mà còn là những người con gái giàu đức hạnh, chứa chan những vẻ đẹp của một nội tâm thuần khiết, chưa vướng bụi trần.
Sau những điểm chung của Thúy Vân và Thúy Kiều, tác giả tiếp tục khắc hoạ vẻ đẹp riêng của từng người. Trước hết là vẻ thu hút của nàng Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
Trước mắt ta như hiện lên hình ảnh của một tiểu thư đài các, dịu dàng, nét đẹp của Thúy Vân là sự hài hoà giữa nét sang trọng và thanh lịch. Nàng có khuôn mặt tròn phúc hậu tựa vầng trăng tròn viên mãn đêm rằm, đôi hàng lông mày kiều diễm, sắc sảo “nét ngài nở nang” . Nụ cười Thúy Vân xinh đẹp như hoa, lời nói ngọc ngà thốt ra đầy ngọt ngào mà ý vị, ở nàng có sự đằm thắm, rất mực đoan trang và đầy thu hút. Làn tóc mượt mà hơn mây, nước da trắng ngần hơn tuyết. Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp của nàng chi tiết và cụ thể. Lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả vẻ đẹp của con người. Nàng Vân có vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên, hoa mỉm cười hài lòng, mây chịu “thua”, tuyết cũng chịu” nhường” , thiên nhiên đã yêu thương và ưu ái cho vẻ đẹp của nàng, chịu nhún nhường trước sắc vóc và dung nhan ấy. Điều đó như dấu hiệu báo trước một cuộc đời êm đềm, ít sóng gió , bình lặng của Thúy Vân.
Đến với nàng Kiều, tác giả dành trọn 12 câu thơ để miêu tả vẻ đẹp và tài năng của nàng. Thúy Vân đã có vẻ đẹp hơn người như thế mà sự xinh đẹp của Kiều lại có phần hơn:
” Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
Kiều không chỉ có nét hiền hậu, đoan trang của Vân mà ở nàng còn có cả sự sắc sảo, mặn mà của một người phụ nữ giàu tình cảm. Cả về sắc đẹp và tài năng, sự thông minh, khôn khéo Kiều đều chiếm phần ưu thế. Đôi mắt nàng tựa làn nước mùa thu êm đềm dịu nhẹ, nét mày ngài xinh đẹp tựa dáng núi mùa xuân. Vẻ xinh đẹp ấy khiến cho thiên nhiên cũng phải hờn dỗi, ghen tuông vì thua kém “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Hoa tươi thắm, rực rỡ giữa vạn vật cũng chẳng sánh được với dung nhan sắc nước hương trời của nàng, liễu có xanh mượt mà cũng phải ghen tị trước tâm hồn thanh mát, vẻ đẹp mềm mại nơi Kiều. Những trạng thái “ghen”, “hờn” ấy của thiên nhiên như dự báo một cuộc đời gặp nhiều lận đận, ngang trái, khổ đau của Kiều.
Kiều không chỉ hơn Vân về sắc đẹp mà còn có phần hơn em về tài năng. Nguyễn Du chưa nói về tài năng của Vân nhưng dành đến tám câu để khắc họa tài năng của Thúy Kiều:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân”
Thúy Kiều là người tài nữ thông minh, sắc sảo với đủ tài cầm – kì- thi- họa. Nhưng không chỉ thông minh, sáng suốt về học vấn nàng còn là một cô gái tài năng trên nhiều lĩnh vực. Thể hiện qua sự giỏi giang: Cầm, kỳ, thi, hoạ. Sự giỏi giang ấy đạt đến mức điêu luyện, “tay lựa”, “ăn đứt” , “cầm”,..Kiều là một người có vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” lại tài hoa đến mức vượt đến mức phi thường
“Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ man che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
Không chỉ có tài sắc, Vân và Kiều còn là những thiếu nữ khuê các có phẩm hạnh, cốt cách thanh cao, con gái của một gia đình mẫu mực, khuôn phép.
Bằng thủ pháp đòn bẩy ấn tượng, Nguyễn Du đã thể hiện được hình ảnh nàng Thúy Kiều và Thúy Vân gần gũi mà đầy tinh tế. Qua đây, ta thấy được tác giả rất trân trọng những vẻ đẹp của những người phụ nữ xưa và niềm cảm thông, thương xót cho số phận nhiều long đong, đớn đau của họ.
“Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nét nhất tài năng miêu tả chân dung nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du, cùng với bài So sánh tài sắc của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 khác để hiểu rõ hơn về đoạn trích này: Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều trong Chị em Thúy Kiều, Phân tích đoạn trích chị em Thúy Kiều, Phân tích chân dung Thúy Kiều trong đoạn Chị em Thúy Kiều
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/so-sanh-tai-sac-cua-chi-em-thuy-kieu-trong-doan-trich-chi-em-thuy-kieu/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học