Đề bài: Thuyết minh về cây chè
Bạn đang xem bài: Thuyết minh về cây chè
Bài văn Thuyết minh về cây chè
I. Dàn ý Thuyết minh về cây chè
1. Mở bài:
– Giới thiệu cây chè.
2. Thân bài:
a. Tên gọi, nguồn gốc, phân bố:
– Tên gọi khác là trà, có tên khoa học là Camellia sinensis Theaceae, thuộc họ Chè.
– Có xuất xứ từ các nước châu Á, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chè có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
– Phát triển mạnh mẽ ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt, nơi có độ ẩm cao và khí hậu ấm áp.
– Phân bố: Các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… trong đó tập trung với diện tích lớn nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ.
b. Đặc điểm thực vật:
– Chè là loại cây bụi, mọc hoang, thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, sống lâu năm, có bộ rễ dài và ăn sâu vào lòng đất, tuổi thọ kéo dài từ 30 – 40 năm.
– Chiều cao được khống chế trong khoảng dưới 2m để tiện cho việc thu hoạch, tuy nhiên nếu không được cắt tỉa và bấm đọt cây có thể đạt độ cao đến 10m.
– Lá chè có màu xanh đậm, dày, hai mặt nhẵn, gân lá rõ ràng, phần rìa lá có hình răng cưa. Lá non và phần búp có màu xanh nõn ngọc.
– Hoa chè có màu trắng, gồm bảy đến tám cánh mỏng, bên trong có nhiều nhị vàng, phát ra hương thơm nhẹ nhàng.
– Quả chè là loại quả nang, có 3 nang chính chứa hạt chè cứng màu nâu hoặc đen bóng tùy độ già của quả.
– Phân loại: Chè Trung Quốc lá nhỏ, chè Trung Quốc lá to, chè Shan, và chè Ấn Độ, trong đó chè Trung Quốc lá to được trồng phổ biến nhất ở nước ta.
– Thành phần hóa học chủ yếu trong lá chè có tác dụng dược lý bao gồm tanin và các alkaloid như cafein, theophyllin, theobromin,… và các enzym liên quan đến sự chuyển hóa của cơ thể con người như EGCG,…
c. Thu hoạch:
– Có ba vụ: Vụ xuân (tháng 3 – 4), vụ hè thu (tháng 5 – 10) và vụ đông (tháng 11 – 12).
– Búp chè tươi sau khi được thu hái về phải được bảo quản trong chỗ râm mát, không nén ép hay để héo, trong suốt quá trình thu hái, vận chuyển phải đảm bảo chè luôn sạch không lẫn tạp chất, rác rưởi, và chè phải được sơ chế trong vòng 10 tiếng kể từ khi hái.
d. Công dụng:
– Là một thức uống quen thuộc trong nền văn hóa ẩm thực của người dân châu Á từ ngàn xưa.
– Các alkaloid trong chè có tác dụng giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái, kích thích sự hoạt động của trí óc, giúp tỉnh táo, thư thái trong người, lợi tiểu.
– Tanin có trong chè giúp cầm tiêu chảy, kiết lỵ.
– Một số các enzym có trong lá chè tươi có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, chống lại sự lão hóa của cơ thể do tuổi tác, …
– Tác dụng tích cực với các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, parkinson.
– Trong nền y học cổ truyền, chè có tính mát, vị đắng chát, có hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc, chữa các bệnh tả lỵ, mụn nhọt, tinh thần kém, một số nhiễm khuẩn ngoài da, …
– Trong nền kinh tế, chè là một trong những loại nông sản có giá trị xuất khẩu, hàng năm đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của quốc gia.
3. Kết bài:
– Nêu cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cây chè
Nền kinh tế Việt Nam nổi bật với nền nông nghiệp có đa dạng và phong phú các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao,… và chè cũng là một trong số những loài cây có vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp nước nhà. Với những công dụng tốt đối với sức khỏe, chè là một trong số những thức uống được ưa chuộng, đặc biệt là với người dân miền Bắc- cái nôi của truyền thống văn hóa ngàn đời. Khách đến chơi nhà, sao có thể thiếu được ấm trà nóng, vị trước chát sau ngọt, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ.
Chè còn có tên gọi khác là trà, có tên khoa học là Camellia sinensis Theaceae, thuộc họ Chè. Có xuất xứ từ các nước châu Á, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chè có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, sau được nhân giống rộng rãi trên nhiều nơi trên thế giới bởi nó có tính thích nghi và chống chịu tốt của các loài cây mọc hoang. Loài này phát triển mạnh mẽ ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt, nơi có độ ẩm cao và khí hậu ấm áp. Ở Việt Nam cây chè được canh tác một cách rộng rãi thành các đồn điền lớn bắt đầu từ năm 1992 dưới sự cai quản của thực dân Pháp. Hiện nay loài cây này được trồng trải dài khắp các tỉnh miền trung và miền Bắc nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… trong đó tập trung với diện tích lớn nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ. Ngoài ra chè cũng được trồng ở các tỉnh miền Nam, nhưng chủ yếu là dùng để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, không thiên về mục đích sản xuất.
Về đặc điểm thực vật, chè là loại cây bụi, mọc hoang, thuộc loài cây thân gỗ nhỏ, sống lâu năm, có bộ rễ dài và ăn sâu vào lòng đất, tuổi thọ kéo dài từ 30 – 40 năm. Chiều cao được khống chế trong khoảng dưới 2m để tiện cho việc thu hoạch, tuy nhiên nếu không được cắt tỉa và bấm đọt cây có thể đạt độ cao đến 10m. Lá chè có màu xanh đậm, dày, hai mặt nhẵn, gân lá rõ ràng, phần rìa lá có hình răng cưa. Lá non và phần búp có màu xanh nõn ngọc, đây là bộ phận chính để thu hoạch nhằm sản xuất ra các loại chè khô thành phẩm khác nhau. Hoa chè có màu trắng, gồm bảy đến tám cánh mỏng, bên trong có nhiều nhị vàng, phát ra hương thơm nhẹ nhàng. Qủa chè là loại quả nang, có 3 nang chính chứa hạt chè cứng màu nâu hoặc đen bóng tùy độ già của quả. Hiện nay chè phổ biến nhất với bốn loài chính bao gồm: Chè Trung Quốc lá nhỏ, chè Trung Quốc lá to, chè Shan, và chè Ấn Độ, trong đó chè Trung Quốc lá to được trồng phổ biến nhất ở nước ta. Thành phần hóa học chủ yếu trong lá chè có tác dụng dược lý bao gồm tanin và các alkaloid như cafein, theophyllin, theobromin,… và các enzym liên quan đến sự chuyển hóa của cơ thể con người như EGCG,… Về thời vụ thu hoạch, ở nước ta chè chủ yếu được thu vào ba vụ là vụ xuân (tháng 3 – 4), vụ hè thu (tháng 5 – 10) và vụ đông (tháng 11 – 12). Người nông dân thu hái chè bằng phương pháp thủ công là dùng tay ngắt các búp chè tươi trong nhiều tuần liền, cho đến khi hái hết một lượt. Búp chè tươi sau khi được thu hái về phải được bảo quản trong chỗ râm mát, không nén ép hay để héo, trong suốt quá trình thu hái, vận chuyển phải đảm bảo chè luôn sạch không lẫn tạp chất, rác rưởi, và chè phải được sơ chế trong vòng 10 tiếng kể từ khi hái.
Về công dụng của cây, chè là một loài cây phổ biến luôn được biết đến với công dụng chính là một thức uống quen thuộc trong nền văn hóa ẩm thực của người dân châu Á từ ngàn xưa, với công dụng làm thơm miệng, khử mùi của thức ăn còn dư lại trong khoang miệng sau mỗi bữa ăn, thể hiện sự thanh nhã, thậm chí còn trở thành một nghệ thuật thưởng thức có tên là trà đạo. Ngày nay thông qua nhiều nghiên cứu khoa học, người ta phát hiện ra chè có nhiều công dụng với sức khỏe của con người. Các chất dạng alkaloid trong chè có tác dụng giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái, kích thích sự hoạt động của trí óc, giúp tỉnh táo, thư thái trong người, lợi tiểu. Tanin có trong chè là một loại chất giúp cầm tiêu chảy, kiết lỵ, tuy nhiên không nên làm dụng vì dễ dẫn đến táo bón, kém hấp thu sắt, canxi. Một số các enzym có trong lá chè tươi có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, chống lại sự lão hóa của cơ thể do tuổi tác, đồng thời còn có tác dụng chống ung thư hiệu quả, cũng như làm tăng tuổi thọ của những người thường xuyên sử dụng nước trà làm thức uống hàng ngày. Bên cạnh đó nước chè cũng có những tác dụng tích cực với các bệnh ly tim mạch, tiểu đường, parkinson. Trong nền y học cổ truyền, chè có tính mát, vị đắng chát, có hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc, chữa các bệnh tả lỵ, mụn nhọt, tinh thần kém, một số nhiễm khuẩn ngoài da, …
Trong nền kinh tế, chè là một trong những loại nông sản có giá trị xuất khẩu, là nghề chính của một bộ phận lớn người dân các tỉnh miền Trung và miền Bắc, hàng năm đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của quốc gia. Tuy nhiên vì chưa có sự đầu tư bài bản và cũng như các phương pháp canh tác sản xuất hiện đại, thế nên sản lượng chè còn thấp, cũng như chất lượng chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với các nước trong khu vực.
Chè là một loài cây thân thuộc với đa số chúng ta, không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn là một loại thức uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng rằng trong tương lai nước ta có thể cải thiện về cả sản lượng và chất lượng để vươn lên là một trong những nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới. Đồng thời cũng trở thành một loại thức uống phổ biến, các bạn trẻ cũng dần hiểu được giá trị và ý nghĩa của loài cây này với sức khỏe.
Bài viết là những hiểu biết sơ lược về chè – một loài cây khá quen thuộc trong cuộc sống của người Á Đông. Để tìm hiểu thêm về các loài cây khác mời các em tham khảo thêm các bài viết Thuyết minh về cây đa, Thuyết minh về cây phượng, Thuyết minh về cây tre, Thuyết minh về cây hoa đào.
tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/thuyet-minh-ve-cay-che/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục