Tìm hiểu về bộ sách Ngũ Kinh trong lịch sử Trung Quốc
Bạn đang xem bài: Tìm hiểu về bộ sách Ngũ Kinh trong lịch sử Trung Quốc
Bạn có biết ngũ Kinh là gì chưa? Chắc hẳn các bạn cũng đã nghe tới câu nói tứ Thư, ngũ Kinh rồi phải không? Ngũ Kinh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong các tác phẩm cổ điển Trung Hoa, nhờ có nó mà người ta vẫn hiểu biết tường tận về đời sống của đời thái cổ. Ngũ Kinh bao gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Trong 6 cuốn sách, Khổng Tử chú các lời nói của Thánh hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, ông chú giải rất kỹ. Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về bộ ngũ Kinh này nhé.
Mục lục bài viết
1. Kinh Thi 詩經 Shī Jīng
2. Kinh Thư 書經 Shū Jīng
3. Kinh Lễ 禮記 Lǐ Jì
4. Kinh Dịch 易經 Yì Jīng
5. Kinh Xuân Thu 春秋 Chūn Qiū
6. Kinh Nhạc
1. Kinh Thi 詩經 Shī Jīng
Kinh Thi, còn được gọi là Thi tam bách 詩三百 Shī sānbǎi Ba trăm bài thơ hay ngắn hơn là Thi bách 詩百 Shī bǎi Trăm bài thơ. Kinh Thi sưu tầm các bài thơ, các bài ca dao dân gian có từ trước Khổng Tử. Tương truyền, Thiên tử đi tuần thú cứ năm năm một lần và ra lệnh cho quan Thái sư hiến dâng các bài ca dao để xem phong tục của dân. Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú.
Kinh thi được Khổng Tử san định thành ba trăm mười một bài (thời xưa gọi là thiên) nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng có. Trong số đó, chỉ có ba trăm lẻ năm thiên là đầy đủ, còn sáu thiên kia có đề mục nhưng không có lời. Có thuyết cho rằng lời thơ của sáu thiên đó bị vong thất bởi ngọn lửa nhà Tần nhưng cũng có thuyết cho rằng sáu thiên ấy vốn không có lời, chỉ có nhạc. Sáu thiên ấy là Nam cai南陔 Nán gāi, Bạch hoa 白華 Bái huá, Hoa thử華黍 Huá shǔ, Do canh 由庚 Yóu gēng, Sùng khâu 崇丘 Chóng qiū, Do nghi 由儀 Yóu yí.
Kinh Thi chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng
Phong 風 là “Thập ngũ quốc phong”, tức ca dao của 15 nước chư hầu hoặc khu vực bao gồm Chu Nam 周南 zhōunán, Thiệu Nam 召南 zhào nán, Bội phong 邶風 bèi fēng, Dung phong 鄘風 yōng fēng, Vệ phong 衛風 wèi fēng, Vương phong 王風 wáng fēng, Trịnh phong 鄭風 zhèng fēng, Tề phong 齊風 qí fēng, Ngụy phong 魏風 wèi fēng, Đường phong 唐風 táng fēng, Tần phong 秦風 qín fēng, Trần phong 陳風 chén fēng, Cối phong 檜風 guì fēng, Tào phong 曹風 cáo fēng, Mân phong 豳風 bīn fēng (hoặc Bân phong) tổng cộng 160 bài.
Nhã 雅 chia ra Tiểu nhã 小雅 Xiǎo yǎ và Đại nhã 大雅 Dàyǎ tổng cộng 105 bài. Trong mỗi Đại nhã và Tiểu nhã lại phân làm “chính” và “biến”. Theo Chu Hy, Chính Đại nhã là nhạc dùng ở triều hội, Chính Tiểu nhã là nhạc dùng ở yến tiệc, phần nhiều do Chu Công Đán chế tác. Còn Biến nhã thì không biết chức năng ra sao
Tụng 頌 gồm Chu tụng 周頌 Zhōu sòng, Lỗ tụng 魯頌 Lǔ sòng và Thương tụng 商頌 Shāng sòng tổng cộng 40 bài. Phần Chu tụng ra đời sớm nhất, là tác phẩm đời Tây Chu. Phần Thương tụng là tác phẩm nước Tống, con cháu nhà Thương, sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 – 8 TCN. Còn Lỗ tụng là tác phẩm nước Lỗ vào thế kỉ 7 TCN
Trích dẫn một số bài thơ trong Kinh Thi
Quan thư 1
關關雎鳩 (Guān guān jū jiū)
在河之洲 (zài hé zhī zhōu)
窈窕淑女 (Yǎotiǎo shūnǚ)
君子好逑 (jūnzǐ hǎo qiú)Quan quan thư cưu (Đôi chim thư cưu hót hoạ nghe quan quan)
Tại hà chi châu. (Ở trên cồn bên sông)
Yểu điệu thục nữ (Người thục nữ u nhàn)
Quân tử hảo cầu (Phải là lứa tốt của bậc quân tử)
Đào yêu 1
桃之夭夭 (Táo zhī yāo yāo)
灼灼其華 (zhuózhuó qí huá)
之子于歸 (Zhīzǐ yú guī)
宜其室家 (yí qí shì jiā)Đào chi yêu yêu (Cây đào tơ xinh tươi)
Chước chước kỳ hoa (Hoa nhiều rậm)
Chi tử vu quy (Nàng ấy đi lấy chồng)
Nghi kỳ thất gia (Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình)
Thấp tang, Tiểu nhã
心乎愛矣 (Xīn hū ài yǐ)
遐不謂矣?(xiá bù wèi yǐ?)
中心藏之,(Zhōngxīn cáng zhī,)
何日忘之!(hé rì wàng zhī!)Yêu ai yêu tận đáy lòng
Vì sao e ngại mà không tỏ bày ?
Yêu ai thầm kín ai hay,
Tấm lòng thương nhớ biết ngày nào nguôi?
2. Kinh Thư 書經 Shū Jīng
Kinh Thư còn có tên gọi là Thượng Thư 尚書 Shàngshū lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
Bản Kinh Thư hiện hành được chia làm 4 phần bao gồm 56 thiên:
Phần 1: Ngu thư: ghi chép về đời Nghiêu Thuấn gồm 5 thiên:
Nghiêu điển (Điển phạm, đức nghiệp của vua Nghiêu, Thuấn điển (Điển phạm, đức nghiệp của vua Thuấn),
Đại Vũ mô (Mưu mô trị nước của Vũ đề nghị lên vua Thuấn),
Cao Dao mô (Mưu mô của Cao Dao kiến nghị với vua Vũ)
Ích Tắc (Mưu mô của Ích và Tắc)
Phần 2: Hạ thư: ghi chép về nhà Hạ gồm 4 thiên:
Vũ cống (Vua Vũ trị thủy, phép cống phú của nhà Hạ, ghi chép về địa lý và sản vật),
Cam thệ (Lời thệ sư ở đất Cam khi vua Khải đi đánh họ Hữu Hộ),
Ngũ tử chi ca (Bài ca của năm người em khuyên can vua Thái Khang)
Dận chinh (Dận hầu đi chinh phạt họ Hy và họ Hòa)
Phần 3: Thương thư: ghi chép về nhà Thương gồm 11 thiên:
Thang thệ (Lời thề của vua Thang khi đem quân đánh vua Kiệt nhà Hạ),
Trọng Hủy chi cáo (Lời ông Trọng Hủy giải thích hành động “cách mạng” của vua Thang),
Thang cáo (Bá cáo của vua Thang sau khi diệt nhà Hạ),
Y huấn (Lời Y Doãn dạy bảo Thái Giáp lúc mới lên ngôi),
Thái Giáp thượng, trung, hạ (Những lời Y Doãn khuyên vua Thái Giáp và những lời hối lỗi của Thái Giáp),
Hàm hữu nhất đức (Lời Y Doãn dặn bảo vua Thái Giáp trước khi ông về nghỉ),
Bàn Canh thượng, trung, hạ (Vua Bàn Canh dời đô về ấp cũ để lấy lại vương khí, giải thích và chỉ bảo cho nhân dân về việc dời đô),
Duyệt mệnh thượng, trung, hạ (Vua Vũ Đinh tìm được Phó Duyệt là người tài, trao quyền và nghe theo Phó Duyệt),
Cao Tông dung nhật (Con vua Cao Tông can vua về việc tế cha đẻ long trọng hơn tế tổ tiên),
Tây Bá kham Lê (Chức bá miền Tây đánh nước Lê),
Vi Tử (Vi Tử định cứu vua Trụ nhưng không được)
Phần 4: Chu thư (ghi chép về nhà Chu, đến thời Tần Mục công bao gồm các thiên còn lại
Bản Kim văn thời Tây Hán chia làm 5 phần: Đường thư, Ngu thư, Hạ thư, Thương thư và Chu thư. Bản Cổ văn thời Đông Hán chia làm 3 phần: Ngu Hạ thư, Thương thư và Chu thư.
3. Kinh Lễ 禮記 Lǐ Jì
Kinh Lễ hay còn gọi là Lễ ký ghi chép lại các lễ nghi thời trước cùng với Chu lễ và Nghi lễ được gọi chung là Tam lễ. Khổng Tử hiệu đính lại Kinh lễ mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự xã hội. Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” (sách Luận Ngữ).
Kinh Lễ chủ yếu chép về lễ, chẳng những bao quát hết các loại lễ tiết mà rộng ra, nó còn bao quát hầu hết các hiện tượng văn hóa, các loại quy tắc cơ bản về các hiện tượng văn hóa. Từ sách Kinh Lễ chúng ta có thể hiểu được về quy định ban tước phẩm quốc gia, các quy định về ban lộc, tông pháp, tế tự, tuần thú, hình luật, học đường và cả các sinh hoạt thường ngày như ngôn ngữ, ăn uống, ứng đối…
Kinh Lễ cho rằng Lễ sản sinh là do sự cần thiết của nhân tính. Chương “Lễ vận” quy nạp nhân tính thành “thất tình” (bảy tình cảm) và “thập nghĩa” (mười nghĩa), chỉ có Lễ mới tiết chế được ác tính trong bảy tình ấy.
Thất tình là gì? Đó là Hỷ (vui), Nộ (giận), Ai (buồn), Cụ (sợ), Ố (ghét), Dục (muốn), Ái (yêu), không cần học cũng có bảy tình ấy.
Thập nghĩa là gì? Đó là cha phải từ, con phải hiếu, anh phải lương thiện, em phải kính cẩn, chồng phải có nghĩa, vợ phải thuận tòng, lớn phải có ân, nhỏ phải thuận, vua phải nhân, tôi phải trung, mười điều ấy gọi là thập nghĩa.
Bố cục của Kinh Lễ bản thông dụng bao gồm 49 chương:
1. Khúc lễ thượng
2. Khúc lễ hạ
3. Đàn cung thượng
4. Đàn cung hạ
5. Vương chế
6. Nguyệt lệnh
7. Tăng Tử vấn
8. Văn Vương thế tử
9. Lễ vận
10. Lễ khí
11. Giao đặc sinh
12. Nội tắc
13. Ngọc tảo
14. Minh Đường vị
15. Tang phục tiểu ký
16. Đại truyện
17. Thiếu nghi
18. Học ký
19. Nhạc ký
20. Tạp ký thượng
21. Tạp ký hạ
22. Tang đại ký
23. Tế pháp
24. Tế nghĩa
25. Tế thống
26. Kinh giải
27. Ai Công vấn
28. Trọng Ni yên cư
29. Khổng Tử nhàn cư
30. Phường ký
31. Trung dung
32. Biểu ký
33. Truy y
34. Bôn tang
35. Vấn tang
36. Phục vấn
37. Gián truyện
38. Tam niên vấn
39. Thâm y
40. Đầu hồ
41. Nho hạnh
42. Đại học
43. Quan nghĩa
44. Hôn nghĩa
45. Hương ẩm tửu nghĩa
46. Xạ nghĩa
47. Yến nghĩa
48. Sính nghĩa
49. Tang phục tứ chế
4. Kinh Dịch 易經 Yì Jīng
Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hy. Tương truyền vào thời tối cổ, vua Phục Hy 伏羲 Fú Xī, vị vua huyền thoại của Trung Quốc, niên đại khoảng 2852-2738 TCN là người đầu tiên phát minh ra những ký hiệu nguyên thủy của kinh Dịch.
Vua Phục Hy ngửa xem tượng trời, cúi xem phép tắc dưới đất, xem các văn vẻ của chim muông cùng những thích nghi của trời đất thế rồi mới sáng tạo ra bát quái 八卦 bā gùa là tổ hợp của ba hào để thông suốt cái đức của thần minh
Dưới triều vua Vũ 禹 Yǔ nhà Hạ, bát quái đã phát triển thành quẻ, có tất cả sáu mươi tư quẻ 六十四卦 lìu shí sì gùa, được ghi chép lại trong kinh Liên Sơn (連山 Lián Shān) còn gọi là Liên Sơn Dịch. Liên Sơn, có nghĩa là “các dãy núi liên tiếp” trong tiếng Hoa, bắt đầu bằng quẻ Thuần Cấn (艮 gèn) (núi), với nội quái và ngoại quái đều là Cấn (tức hai ngọn núi liên tiếp nhau) hay là Tiên Thiên Bát Quái.
Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Sự sắp xếp của vua Văn Vương được gọi là Hậu thiên bát quái
Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch.
Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
5. Kinh Xuân Thu 春秋 Chūn Qiū
Kinh Xuân Thu 春秋 Chūnqiū cũng được gọi là Lân Kinh 麟經 Lín jīng ghi chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử giai đoạn từ năm 722 TCN tới năm 481 TCN. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.
6. Kinh Nhạc
Kinh Nhạc bàn về nhạc thuật và nhạc khí, nhưng nguyên bản đã bị thiêu hủy trong Chiến tranh Hán-Sở, chỉ còn đôi chút làm thành một thiên trong Kinh Lễ, gọi là Nhạc ký. Tuy nhiên, giới học giả cũng cho rằng, so với 5 cuốn còn lại thì sách này có phẩm chất thấp nhất.
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tiếng Trung